Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Chế định ưu việt để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện

Trần Quang Huy| 25/10/2019 14:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đều đánh giá Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV.

Giải pháp hữu hiệu giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

Hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 2/12/2002 về Chiến lược hoàn thiện pháp luật và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị đều hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả của các hình thức giải quyết tranh chấp bằng hoà giải, đối thoại nhằm xử lý nhanh những tranh chấp, khiếu kiện, giảm nhẹ công việc cho Toà án. Bộ luật TTDS năm 2015 quy định hòa giải là một nguyên tắc cơ bản của TTDS Luật TTHC năm 2015 cũng quy định đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính là nguyên tắc cơ bản của TTHC.

Tại phiên họp lần thứ 4 năm 2017,Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã giao cho TANDTC nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp  dân sự, khiếu kiện hành chính, phù hợp với đường lối của Đảng và yêu cầu của thực tiễn. Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, TANDTC đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. 16 TAND tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm đã thành lập 124 Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; bổ nhiệm 627 Hòa giải viên có phẩm chất đạo đức, tâm huyết, nhiệt tình, có uy tín, có kỹ năng để tham gia vào hoạt động hòa giải, đối thoại.

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Chế định ưu việt để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện

Tổng kết thí điểm hòa giải, đối thoại tại 16 TAND cấp tỉnh

Từ tháng 3/2018 đến nay, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã hòa giải thành, đối thoại thành trên 37 nghìn vụ, việc, góp phần giải quyết triệt để các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại đã hàn gắn những mâu thuẫn, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành. Vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.

Qua thực tiễn triển khai thực hiện đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án cho thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện của Việt Nam; phát huy tối đa ý chí và khả năng tự định đoạt của các đương sự với sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các Hòa giải viên. Hòa giải thành, đối thoại thành cũng là giải pháp căn cơ giảm áp lực công việc cho Tòa án các cấp khi mà hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp. Việc giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện thông qua các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án có ưu điểm là thủ tục đơn giản, linh hoạt, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật và cải cách tư pháp

Song song với công tác triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo TANDTC cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Chánh án TANDTC đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Quy chế hoạt động; chắt lọc những tinh hoa của tư pháp quốc tế về hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ban soạn thảo đã dịch và tham khảo Luật về hòa giải của 6 quốc gia, gồm: Luật Hòa giải tư pháp tranh chấp dân sự Hàn Quốc, Luật Điều đình dân sự Nhật Bản, Luật Hòa giải nhân dân Trung Quốc, Luật về thống nhất hòa giải Hoa Kỳ, Luật về hòa giải và trọng tài Ấn Độ, Luật Hòa giải của Đức; tiếp cận tham khảo Luật về hòa giải của hơn 60 quốc gia khác, gồm: In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Sing-ga-po, Ma-lai-xi-a, Ca-na-đa, Áo, Bỉ, Hà Lan, Pháp...Bên cạnh đó, TANDTC đã tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến của các cơ quan liên quan để bảo đảm hòa giải, đối thoại tại Tòa án không chồng chéo với các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại hiện có.

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Chế định ưu việt để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện

Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP. HàNội hòa giải một vụ việc dân sự

Hiện nay, TANDTC đã hoàn thiện Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Dự thảo Luật gồm 4 chương, 29 điều quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC. Luật này không điều chỉnh và không loại trừ các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý, các Thẩm phán và nhân dân thì Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ tạo cơ chế pháp lý mới, hiệu quả về hòa giải, đối thoại để tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Khi hòa giải, đối thoại không thành thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc theo thủ tục TTDS, TTHC.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do TANDTC xây dựng đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, là giải pháp hữu hiệu và ưu việt của chế định hòa giải, đối thoại; bảo đảm hiệu lực thi hành thỏa thuận giữa các bên bằng quyền lực của Nhà nước; tạo niềm tin, động lực cho các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Theo kế hoạch, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ trình Quốc hội cho ý kiến. Dự thảo Luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phù hợp với các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Chế định ưu việt để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện