Ban Thanh tra TANDTC: Tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát Thẩm phán

Gia Hưng| 20/09/2018 06:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ 1/10/2015 đến nay, Ban Thanh tra đã nhận và xử lý 2.890 đơn khiếu nại của công dân chuyển đến theo đường bưu điện, số đơn nói trên đều được xử lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Từ năm 2016 đến nay, Ban Thanh tra đã kịp thời tham mưu, đề xuất lãnh đạo TANDTC thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí trong các TAND. Đơn vị đã tham mưu, đề xuất Chánh án TANDTC quyết định thanh tra và thành lập 25 Đoàn thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng tại TAND địa phương theo kế hoạch đã được lãnh đạo TANDTC phê duyệt.

Bước đầu đã hoàn thành nhiệm vụ giám sát Thẩm phán

Theo Quyết định số 918/2015/QĐ-TANDTC ngày 23/6/2015 của Chánh án TANDTC thì cơ cấu tổ chức của Ban Thanh tra gồm 4 phòng chức năng với 28 công chức. Nhiệm vụ của Ban Thanh tra gồm 5 lĩnh vực cơ bản: Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức TAND theo quy định của pháp luật; Tổ chức tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong TAND; Giúp Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thực hiện giám sát Thẩm phán theo Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật và của TAND về sử dụng ngân sách; xây dựng cơ bản; mua sắm, quản lý, sử dụng công sản; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các TAND. Cuối cùng là Thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng trong các TAND.

Hoạt động thanh tra công vụ cũng được Ban thực hiện theo chuyên đề, đơn vị đã tham mưu, đề xuất xử lý trách nhiệm, kỷ luật trong việc kết án oan ông Huỳnh Văn Nén đối với các tập thể, cá nhân có liên quan thuộc TAND tỉnh Bình Thuận. Tham mưu, đề xuất việc xử lý kỷ luật công chức TAND tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Cà Mau, Phú Yên, Vĩnh Long, Kon Tum, Kiên Giang, Khánh Hòa… Các ý kiến đề xuất của Ban Thanh tra đều được Chánh án TANDTC chấp thuận.

Tính từ 1/10/2015 đến nay, Ban Thanh tra đã nhận và xử lý 2.890 đơn khiếu nại của công dân chuyển đến theo đường bưu điện, số đơn nói trên đều được xử lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết, Ban Thanh tra đã chuyển đến các đơn vị có thẩm quyền giải quyết kịp thời, không để tồn đọng.

Ban Thanh tra TANDTC: Tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát Thẩm phán

 Đại diện Ban Thanh tra tiếp nhận đơn thư 

Về công tác giám sát Thẩm phán, Ban Thanh tra đã khẩn trương triển khai thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ giám sát Thẩm phán như: Tham mưu cho Chánh án TANDTC xây dựng văn bản chỉ đạo Chánh án TAND cấp cao, Chánh án TAND cấp tỉnh định kỳ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của Thẩm phán TAND các cấp để phục vụ công tác giám sát Thẩm phán. Đơn vị đã thực hiện thẩm tra 5.968 hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán của TAND các cấp. Ban Thanh tra đã nghiên cứu bản án, quyết định bị cấp phúc thẩm, cấp giám đốc thẩm hủy, sửa của Thẩm phán để phục vụ công tác bổ nhiệm lại Thẩm phán.

Từ năm 2016 đến nay, Ban Thanh tra đã tham mưu, đề xuất Chánh án TANDTC quyết định giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán và thành lập Đoàn giám sát để thực hiện giám sát nhiệm vụ của Thẩm phán TAND địa phương. Đoàn đã giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán trong công tác xét xử; kiểm tra các bản án bị hủy, sửa của Thẩm phán trong nhiệm kỳ hiện tại; kiểm tra về tố tụng đối với các vụ án để quá hạn luật định chưa đưa ra xét xử, các vụ án tạm đình chỉ…

Còn nhiều bất cập

Hiện nay, Ban Thanh tra chỉ có thẩm quyền nhận đơn khiếu nại, tố cáo cán bộ, công chức trong các TAND. Tuy nhiên, trên thực tế Ban Thanh tra vẫn tiếp nhận các loại đơn tư pháp. Trong thời gian qua, việc xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ yếu là áp dụng các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 để giải quyết, chưa có các văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo của TAND, đặc biệt là các khiếu nại, tố cáo có nội dung liên quan đến các hoạt động tố tụng của Thẩm phán nói riêng và cán bộ công chức Tòa án nói chung. Do đó, cán bộ được phân công làm nhiệm vụ này còn gặp nhiều lúng túng, chưa phát huy hết quyền hạn được giao và hiệu quả của công tác này trên thực tế là chưa cao như kỳ vọng.

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 06/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định Thẩm phán TAND các cấp cũng là công chức. Quyết định 918/QĐ-TANDTC không quy định rõ nội dung, phạm vi, lĩnh vực giám sát Thẩm phán là như thế nào. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 20 Quy chế làm việc của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia quy định nội dung giám sát Thẩm phán bao gồm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán theo quy định của Luật Tổ chức TAND và các luật có liên quan. Như vậy, nội dung và đối tượng thanh tra công vụ và giám sát Thẩm phán có sự trùng lặp.

Do chưa quy định rõ về nhiệm vụ thanh tra, giám sát của Ban Thanh tra và nhiệm vụ giám đốc việc xét xử của các Vụ Giám đốc, kiểm tra, nên trong thời gian qua, Ban Thanh tra triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát Thẩm phán ở phạm vi hạn chế, mới chỉ dừng lại ở việc giám sát theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm là chủ yếu. Việc giám sát trực tiếp theo kế hoạch chỉ diễn ra ở một số Tòa án và trong phạm vi một số ít chuyên đề nhất định. Do đó, chưa bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ giúp Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia trong giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của Thẩm phán, đồng thời chưa có cơ sở để xem xét trách nhiệm theo Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND.

Trong thời gian tới, lãnh đạo Ban Thanh tra đề nghị lãnh đạo TANDTC cho phép tiếp tục thực hiện công tác giám sát Thẩm phán. Theo Quyết định 918/QĐ-TANDTC, Ban Thanh tra có nhiệm vụ giúp Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thực hiện nhiệm vụ giám sát Thẩm phán theo quy chế của Hội đồng (được ban hành kèm theo Nghị quyết 929/NQ-UBTVQH13), Ban Thanh tra là đơn vị duy nhất thực hiện nhiệm vụ giám sát Thẩm phán. Nội dung giám sát Thẩm phán được thực hiện theo Điều 20 của Quy chế, bao gồm giám sát nhiệm vụ của Thẩm phán trong công tác xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án mà Thẩm phán đã được giao thực hiện. Do vậy, Ban Thanh tra đề nghị trong việc triển khai giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán, phải bao gồm giám sát tất cả các bản án, quyết định mà Thẩm phán đã ban hành, kể cả việc tiếp cận, nghiên cứu các hồ sơ vụ việc mà Thẩm phán được giao giải quyết. Đảm bảo công tác giám sát Thẩm phán được thực hiện toàn diện và hiệu quả, giúp Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia tuyển chọn, bổ nhiệm đội ngũ Thẩm phán có trình độ chuyên môn và có phẩm chất đạo đức tốt.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Ban Thanh tra cho biết, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, phối hợp tốt trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát Thẩm phán, đề nghị lãnh đạo TANDTC cho phép Ban Thanh tra chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức - Cán bộ và các đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Quy chế giám sát Thẩm phán, tổ chức lấy ý kiến trong toàn ngành để công tác giám sát Thẩm phán được đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban Thanh tra TANDTC: Tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát Thẩm phán