Phút trải lòng của nữ Thẩm phán vùng cao

Trung Thành| 01/10/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần 30 năm công tác trong hệ thống Tòa án cũng là thời gian Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Ngân gắn đời mình với mảnh đất Điện Biên Đông. Và cũng ngần ấy năm chị dành hết tâm lực, trí lực của mình để góp phần gìn giữ sự bình yên cho các bản làng trên núi cao.

Thao thức với đồng bào

Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, có biết bao vụ án được đưa ra xét xử, từ trộm cắp, lừa đảo đến giết người, cướp của, khiến cho người ta không khỏi hoài nghi về sự xuống cấp nhân cách đạo đức của một bộ phận dân chúng trong xã hội hiện nay. Nhưng bên cạnh đó, chốn pháp đình vẫn lấp lánh thứ ánh sáng kỳ diệu của tình người rộng lượng, của pháp luật nhân văn, của người cầm cân nảy mực nghiêm khắc mà bao dung giúp cho con người ta hiểu rằng, bên cạnh những mảng màu xám xịt, tối tăm, thì vẫn còn muôn vàn điều tốt đẹp, để vững tin ở thiên lương trong cuộc đời này. Mỗi Thẩm phán luôn có sự trăn trở trong khi đứng trước quyết định tương lai và vận mệnh của một con người, phải làm sao đánh thức lương tri của bị cáo, đó là tiền đề cho quá trình phục thiện sau các phiên tòa. Tôi đã cảm nhận được nỗi lòng nặng trĩu ấy khi trò chuyện cùng Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Ngân (SN 1966), Phó Chánh án TAND huyện Điện Biên Đông.

Ở Thẩm phán Ngân, điều làm tôi ấn tượng nhiều nhất là tính cách thẳng thắn, bộc trực nhưng cũng không kém phần sâu lắng. Trước khi vượt mấy chục kilomet đường đèo dốc kinh hoàng từ TP. Điện Biên Phủ về đây, tôi đã được nghe rất nhiều đồng nghiệp của chị ở Tòa án tỉnh Điện Biên kể về chị với sự trân trọng và nể phục. Họ bảo, chị là con người tận tụy, nhiều trăn trở, thao thức với đồng bào. Và quả thật, sau khi gặp chị, tôi đã có ấn tượng sâu sắc về một nữ thẩm phán giản dị và rất mực khiêm cung. Ngồi cạn một buổi chiều, chị ít nói về bản thân mình. Câu chuyện giữa tôi và chị phần lớn chỉ xoay quanh những vụ án, những phận người mà chị đã từng gặp trong cuộc đời làm Thẩm phán.

Chị Ngân bảo, cái khó nhất của người cán bộ Tòa án vùng cao là phải cố gắng để làm sao vừa giữ được sự nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật, vừa giữ được sự tin yêu, nể phục của đồng bào. Muốn làm được như thế thì những người cán bộ như chị phải thường xuyên lăn lộn xuống địa bàn, tích cực tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật đến mỗi người dân.

Phút trải lòng của nữ Thẩm phán vùng cao

Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chánh án TAND huyện Điện Biên Đông

Hơn nữa, do được phân công trực tiếp giải quyết các vụ án dân sự và hôn nhân gia đình nên chị Ngân luôn chú trọng, đề cao việc chủ động đi sâu, đi sát xuống địa bàn để nắm được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Bởi theo chị, do Điện Biên Đông là huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là dân tộc thiểu số nên trình độ nhận thức về pháp luật của đồng bào còn rất nhiều hạn chế, nên nhiều khi những mâu thuẫn phát sinh từ lý do rất đơn thuần. Vậy nên, ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, chị luôn trăn trở với suy nghĩ là làm sao phải tìm cho được nguyên nhân chủ yếu phát sinh mâu thuẫn để kịp thời vận động, thuyết phục và hòa giải.

“Hòa giải viên” của các cặp ly hôn

Chị Ngân chia sẻ: “Các vụ án dân sự và hôn nhân gia đình thường phức tạp, nó đòi hỏi không chỉ giải quyết công bằng hay thấu đáo mà phải hợp lý, hợp tình. Nhất là vùng cao, do ảnh hưởng sâu đậm bản sắc văn hóa cộng đồng làng xã nên người ta rất xem trọng chữ Tình. Vậy nên, trong các vụ án này, nhiều khi cái tình cũng phải giải quyết cho ổn thỏa, nếu không những dư âm hay ảnh hưởng về sau này sẽ rất lớn. Đôi khi, tôi thấy mình giống như một hòa giải viên”.

Nhờ phương châm làm việc khoa học và tận tụy đó, nên tỷ lệ hòa giải thành trong số các vụ án mà chị Ngân thụ lý rất cao. Nhưng, để có được thành quả ấy, chị đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để lặn lội khắp các bản làng. Anh em trong cơ quan cũng như những người thân trong gia đình đã quá quen với việc chị “cơm đùm, cơm nắm”, băng rừng lội suối xuống địa bàn. Thân gái dặm trường, đường đèo hung hiểm, nhiều khi để gặp được đối tượng, chị Ngân đã phải đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt.

Cách đây ít lâu, chị Ngân được giao thụ lý một vụ ly hôn ở xã Pú Nhi. Hạnh phúc của cặp vợ chồng người Mông đó đứng trước nguy cơ tan vỡ chỉ vì sự “say nắng” của người chồng. Sau khi tìm hiểu nguồn cơn sự việc, chị quyết tâm gặp cho kỳ được người chồng để làm công tác vận động. Biết trước thời tiết miền núi mưa nắng thất thường nên chị chủ động đi rất sớm, nào ngờ mới được nửa đường thì sấm chớp đì đùng, rồi mưa kéo về xối xả. Đường sạt lở, xung quanh lại không hề có nhà dân để xin trú ngụ, một mình giữa hoang vu chín suối mười đèo, chị khóc. Đã mấy lần chị định quay về, thế nhưng khi nghĩ đến cảnh 6 đứa trẻ của cặp vợ chồng ấy sẽ phải “tan đàn, xẻ nghé” vì bố mẹ ly hôn, chị lại quyết tâm đi tiếp. Vừa đi vừa đẩy xe, phải gần 7 giờ tối chị mới đến nơi. Ban đầu, anh chồng nhất định không đồng ý hòa giải, kiên quyết xin Tòa xử cho được ly hôn. Song, bằng lý lẽ lúc thì mềm mỏng, lúc cứng rắn, chị đã thuyết phục được anh ta quay về với vợ. Đêm đó, chị Ngân đã phải ngủ nhờ ở nhà một người quen trong bản…

Cứ thế, trong hầu hết những vụ án dân sự và hôn nhân gia đình mà mình thụ lý, chị Ngân đều lặn lội xuống tận từng gia đình, gặp từng đối tượng để làm công tác vận động, hòa giải. Thật khó để có thể tính hết được những khó khăn chị đã phải vượt qua, và càng khó để đong đếm được công sức chị đã bỏ ra trong ngần ấy chuyến đi, nhưng điều được lớn nhất đối với chị là sự tin tưởng của đồng bào, đồng nghiệp. Trong suốt quá trình công tác, chị Ngân đã nhiều lần được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua TAND; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Tận tâm với công việc

Từ xưa đến nay, Điện Biên luôn là điểm nóng về ma túy. Có nhiều bản, nhiều làng ở mảnh đất nằm tận cùng cực tây tổ quốc này mà chỉ cần gọi tên đã gợi lên cho người ta những ký ức, kỷ lục đau buồn. Trong cuộc mưu sinh nghiệt ngã, đã có rất nhiều đồng bào vì thiếu hiểu biết pháp luật mà để “cơn bão trắng” cuốn đi. Con mất cha, vợ mất chồng, bản làng tiêu điều xơ xác. Bên cạnh đó, cũng còn không ít ra đình phải lâm vào cảnh ly tán, đảo điên vì những hủ tục như tảo hôn, đa thê hay ma tà, bùa ngải.

Phút trải lòng của nữ Thẩm phán vùng cao

Một góc Điện Biên Đông

“Ở một số bản làng vùng sâu, vùng xa của Điện Biên Đông, trình độ hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Trong mấy năm gần đây, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của các cơ quan ban ngành từ huyện đến tỉnh đã và đang cố gắng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để góp phần xóa đi những phong tục, tập quán, những suy nghĩ mê muội, tăm tối đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào. Thế nhưng, thảng hoặc người ta vẫn phải chứng kiến những vụ án đáng tiếc xảy ra bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Những vụ án kiểu này thường tạo cho những người thực thi pháp luật như chúng tôi rất nhiều trăn trở, tiếc nuối, đớn đau”, chị Ngân chia sẻ.

Đến giờ, chị Ngân vẫn nhớ như in phiên tòa xét xử bị cáo Thò Y May ở xã Pú Nhi về tội “buôn bán trái phép chất ma túy” vào năm 2013. Chồng May nghiện, quanh năm suốt tháng không chịu làm ăn, chỉ lo trộm cắp vặt để chích hút. Đồ đạc trong nhà từ thóc gạo, xoong nồi đến con trâu cày cũng lần lượt bị y đem bán hết để lấy tiền mua ma túy. Xót của, May lần tìm được chỗ ma túy chồng cất giấu, mang “bán bớt” đi một tí gọi là “thu hồi” được đồng nào hay đồng ấy để mua gạo cho con. Trong lúc đem bán, May bị bắt.

Phiên tòa xét xử diễn ra, hàng trăm con mắt ái ngại đổ về phía người đàn bà gầy guộc, lam lũ, chỉ vì nông nổi, thiếu hiểu biết pháp luật mà xảy ra cơ sự. Hai bố mẹ đi tù, ba đứa con May vẫn lơ ngơ chơi ngoài sân tòa án. Chúng quá bé nhỏ để hiểu được khái niệm “đi tù” là gì, và chúng cũng không nhìn thấy được những tháng ngày cơ cực đang chờ đợi mình phía trước. Khi được mọi người hỏi han, đứa lớn nhất chỉ lí nhí trả lời: “Mẹ hứa mua cho cháu váy mới mà mãi chưa thấy…!”. Chứng kiến cái bi kịch của gia đình này, cộng với sự ngô nghê, trong trẻo của đứa trẻ, đã làm lay động toàn bộ những người có mặt trong phiên tòa hôm đó.

Chị Ngân kể: “Cả ba đứa trẻ con May đều gầy gò, đen đúa, quần áo rách bươm. Từ ngày mẹ bị bắt, chúng sống vạ vật nhờ bà con hàng xóm, bữa đói nhiều hơn bữa no. Kết thúc phiên tòa hôm ấy, mấy anh chị em trong cơ quan phải góp mỗi người một ít tiền và quần áo để cho lũ trẻ. Sau đó tôi còn liên hệ với chính quyền xã và một số cơ quan đoàn thể để tìm cách hỗ trợ lũ trẻ về lâu dài”. Chính vì luôn có sự tận tâm như thế, nên đối với nhiều gia đình ở Điện Biên Đông, họ xem chị Ngân chẳng khác gì người thân trong gia đình. Chị bảo, được đồng bào tin yêu, quý trọng, đó là cái được lớn nhất trong cuộc đời làm Thẩm phán của mình. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phút trải lòng của nữ Thẩm phán vùng cao