Chuyện về một nữ “Thẩm phán giỏi” ở Bắc Kạn

Mai Thoa| 13/09/2015 20:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tình cờ, tôi được biết về nữ Thẩm phán Nguyễn Ngọc Hoa (Phó Chánh tòa Tòa Dân sự TAND tỉnh Bắc Kạn) qua một cuộc hội thảo khoa học về công tác giải quyết án dân sự khi chị phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm của mình trong công tác chuyên môn.

Ý kiến phát biểu của chị được nhiều đại biểu tham dự đánh giá cao. Chị cũng là một trong số ít người được nhận danh hiệu “Thẩm phán giỏi” do TANDTC bình xét vừa qua.

Được biết, chị và 5 Thẩm phán nữa của tỉnh Bắc Kạn đã trải qua cuộc thi do TANDTC tổ chức với các điều kiện dự thi hết sức khắt khe. Theo đó, người dự thi phải có số lượng án giải quyết nhiều hơn những người khác, chất lượng xét xử đảm bảo, không có án bị hủy, sửa áp dụng theo tiêu chuẩn quy định của TANDTC. Các thí sinh phải qua các vòng thi từ lý thuyết cho đến những phiên xử thực tế... Chị Hoa đã vượt qua và giành danh hiệu cao quý đó.

 Từ 2008, sau khi được bổ nhiệm Thẩm phán, chị đã trải qua nhiều vị trí công tác, từ Phó Chánh án rồi Chánh án TAND TP. Bắc Kạn, đến nay, chị đảm nhiệm chức vụ Phó Chánh tòa Tòa Dân sự TAND tỉnh Bắc Kạn dù mới ở tuổi 40. Ở vị trí công tác nào chị cũng để lại dấu ấn khá đậm nét về một nữ Thẩm phán yêu nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp Tòa án.

Năm 1997, chị Hoa tốt nghiệp đại học và trúng tuyển cuộc thi công chức Tòa án. Đi vào làm việc mới thấy kiến thức học được ở trong trường rất ít, còn thực tế lại khác và rộng hơn rất nhiều. Vậy là chị lại lao vào học, học trên sách vở, tài liệu, học từ thực tiễn, từ kinh nghiệm của những người đi trước... với mong muốn duy nhất là để được cống hiến hết mình cho công việc. Hơn 10 năm công tác, chị được bổ nhiệm Thẩm phán TAND thị xã Bắc Kạn - đó là một dấu mốc đáng nhớ. Bởi lẽ, bất cứ ai công tác tại Tòa án đều hiểu rằng, quá trình phấn đấu để được bổ nhiệm Thẩm phán không hề dễ dàng vì phải vượt qua những yêu cầu rất khắt khe, nhưng đó là danh hiệu cao quý, là người được nhân danh Nhà nước bảo vệ công lý, góp phần làm lành mạnh xã hội - một nghề rất đáng tự hào.

Chuyện về một nữ “Thẩm phán giỏi” ở Bắc Kạn

Thẩm phán Nguyễn Ngọc Hoa

Công việc của Thẩm phán sơ cấp phải làm được ví như cái “máy đa năng”, khi phải xét xử tất cả các loại án từ dân sự, hình sự, đến hành chính, hôn nhân gia đình... và chị cũng không ngoại lệ. Những ngày đầu được giao xét xử khá nhiều loại án cũng có nhiều điều để lại trong ký ức nữ Thẩm phán trẻ. Nhưng với chị Hoa, có lẽ đáng nhớ nhất có lẽ là phiên xử một vị cán bộ huyện với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ án đặc biệt ở chỗ, đó là điểm “nóng”, là tâm điểm chú ý của dư luận ở Bắc Kạn, đó cũng là vụ án đầu tiên xét xử một vị lãnh đạo cấp huyện có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây bức xúc trong nhân dân. Với Thẩm phán là nam giới, dày dặn kinh nghiệm khi xét xử những vụ án như vậy còn rất lo lắng, huống hồ là một nữ Thẩm phán còn khá trẻ như chị. Vụ án có nhiều người liên đới trách nhiệm nên với hàng ngàn bút lục, khiến chị không khỏi lo lắng... Nhưng rồi, nữ Thẩm phán trẻ ấy đã làm nên điều kỳ diệu, bản án tuyên thấu tình, đạt lý, được tất cả người dân dự phiên tòa đồng tình, ủng hộ.

Trong đơn vị, mọi người biết đến chị là người khá gương mẫu và làm việc rất khoa học, luôn chú trọng việc ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong công việc chuyên môn. Chị tự ép mình vào một nguyên tắc bất di, bất dịch: “Luôn thận trọng, kiên trì trong công việc; thường xuyên rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và hiểu biết xã hội”, chị coi đó là chìa khóa của thành công.

Theo chị, Bắc Kạn là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có một đặc thù riêng, bởi vậy, cán bộ Tòa án phải hiểu họ mới có thể giải quyết được vụ việc thấu tình, đạt lý. Người Mông có truyền thống quý trọng gia đình, rất ít khi ly hôn; còn người Tày thì “trọng nam, khinh nữ”... nên chị xác định, đối với công tác hòa giải, ngoài việc nhận thức đúng đắn các quy định của pháp luật, Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải phải nắm vững hồ sơ vụ án, có kinh nghiệm trong thực tiễn về hòa giải, có sự hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, có khả năng động viên các đương sự hướng đến giải quyết tranh chấp, làm cho các tranh chấp từ phức tạp trở thành đơn giản, có như vậy, hòa giải mới đạt được kết quả cao.

Chị chia sẻ, đối với việc giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình, hòa giải để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án cũng là mục tiêu chung cần hướng tới, nhằm giải quyết vụ án được nhanh chóng, không tốn kém tiền của của đương sự và Nhà nước, đồng thời góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, thuận lợi hơn trong quá trình thi hành án.

 Án dân sự cũng vậy, nhiều trường hợp mâu thuẫn sâu sắc, hai bên không thể nói chuyện được với nhau nên ngoài việc nghiên cứu kỹ hồ sơ để nắm chắc nội dung, xác định đúng quan hệ tranh chấp, Thẩm phản phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn của các đương sự. Không những vậy, bản thân Thẩm phán còn tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, kiên trì hòa giải, cảm thông, chia sẻ, động viên nhằm hóa giải mâu thuẫn, hiềm khích, thành kiến. Vậy nên, nhiều năm qua cá nhân chị đạt được thành tích đáng ghi nhận - tỷ lệ hòa giải thành các năm đều đạt từ 56% đến 90,9% đối với án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh - thương mại...

Đối với án hình sự, chị Hoa xác định, trong quá trình giải quyết các vụ án luôn phải tập trung nghiên cứu kỹ hồ sơ; trong xét hỏi luôn thẩm tra và làm rõ tất cả những chứng cứ của vụ án để làm cơ sở đánh giá đúng thực chất của vụ án. Tất cả các chứng cứ buộc tội cũng như những chứng cứ gỡ tội, chứng cứ thể hiện tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải hết sức khách quan, không coi trọng hay xem nhẹ tình tiết nào. Thái độ xét hỏi khách quan, không truy bức, không nhận xét khi xét hỏi, thể hiện sự vô tư. Quá trình tranh tụng phải đảm bảo cho các bên thực hiện tốt việc tranh luận, lắng nghe tất cả các ý kiến tranh luận để làm cơ sở cho việc nhận định và quyết định đối với vụ án.

Không chỉ trong công tác chuyên môn, với công việc chung của đơn vị, chị được đánh giá là một lãnh đạo hết lòng vì tập thể. Với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, chị luôn gương mẫu trong mọi hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đảng viên và nêu cao trách nhiệm xây dựng Chi bộ và các đoàn thể ngày càng vững mạnh. Cùng với tập thể, cá nhân Thẩm phán Nguyễn Ngọc Hoa nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; Chiến sỹ thi đua TAND; Bằng khen của Chánh án TANDTC và nhiều bằng khen của lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về một nữ “Thẩm phán giỏi” ở Bắc Kạn