Một số vấn đề nghiệp vụ từ các phiên tòa tháng 5/2020 của Hội đồng Thẩm phán

Chu Minh| 21/06/2020 13:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quy định về thi hành quyết định giám đốc thẩm của Luật Thi hành án có còn hiệu lực; Chỉ là người thuê đất, có quyền đòi người khác trả lại nhà trên đất thuê không? là những nội dung được giải đáp tại Phiên họp tháng 5/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Một số vấn đề nghiệp vụ từ các phiên tòa tháng 5/2020 của Hội đồng Thẩm phán

Một Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TANDTC

1. Quy định về thi hành quyết định giám đốc thẩm của Luật Thi hành án có còn hiệu lực không?

Vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn Thái Thanh N và Bị đơn Lê Ngọc T có đối tượng là thửa đất số 1942, có diện tích 300 m2. Ông N nhận chuyển nhượng thửa đất này vào năm 2001, cùng thời điểm ông T nhận chuyển nhượng thửa đất liền kề của cùng một chủ. Ông T mượn thửa đất 1942 của ông N để làm lối đi, hầm chứa đá cây vì ông T xây dựng cơ sở sản xuất nước đá ở thửa đất liền kề.

Hai bên có ý định đổi đất, nhượng đất nhưng không thành nên đến năm 2012, ông N khởi kiện đòi ông T trả lại đất. Ông T không đồng ý trả lại đất vì đã đầu tư nhiều trên đất; ông T còn có yêu cầu phản tố được nhận chuyển nhượng thửa đất này hoặc nếu phải trả đất thì yêu cầu bồi thường 500 triệu đồng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 83/2012/DSST ngày 13/11/2012, TAND huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã quyết định: Chấp nhận yêu cầu đòi lại đất của ông N. Buộc ông T di dời các công trình trên đất để trả lại đất cho ông N. Buộc ông N bồi thường cho ông T về công san lấp, làm bờ kè, hàng rào là 17 triệu đồng.

Ông T kháng cáo. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 44/2013/DSPT ngày 26/3/2013 của TAND tỉnh Đồng Tháp đã sửa bản án sơ thẩm, cho ông T được tiếp tục sử dụng đất và thanh toán giá trị quyền sử dụng đất cho ông N là 212 triệu đồng. Ông N có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Chánh án TAND cấp cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 12/2017/DS-GĐT ngày 20/01/2017 của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 44/2013/DSPT, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 83/2012/DSST.

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lai Vung có kiến nghị xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm số 12/2017/DS-GĐT. Chánh án TAND tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 13/5/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy Quyết định giám đốc thẩm, Bản án phúc thẩm, Bản án sơ thẩm; giao cho TAND huyện Lai Vung xét xử sơ thẩm lại.

Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:

Sau khi có bản án phúc thẩm, đã có việc thi hành án và chuyển dịch tài sản là:Ông T đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản án phúc thẩm. Ông T cho con dâu là chị Võ Trọng Thanh H diện tích đất này và chị H đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 11/12/2013. Chị H đã có hợp đồng ngày 28/12/2016 cho anh S thuê đất đến 15/10/ 2063. Hội đồng Thẩm phán nhận định rằng việc buộc trả lại đất như quyết định của bản án sơ thẩm là đúng nhưng khi giải quyết vụ án, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao không giải quyết hậu quả của việc thi hành án là không đúng quy định tại Điều 344 BLTTDS năm 2015.

Khoản 3 Điều 135 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về Thi hành quyết định giám đốc thẩm trong trường hợp giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới bị hủy hoặc bị sửa là:

“Trường hợp tài sản thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì cưỡng chế trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu.

Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì chủ sở hữu tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản”.

Như quy định nêu trên của Điều 135 thì trong vụ án này, cơ quan thi hành án có quyền cưỡng chế giao trả thửa đất 1942 cho ông N; và nếu xác định việc chuyển dịch quyền sử dụng đất cho chị H là ngay tình thì cơ quan thi hành án cũng có quyền buộc ông T thanh toán giá trị đất cho ông N.

Nói cách khác là Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lai Vung có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế để khắc phục việc thi hành án và phát sinh sau thi hành án không đúng với quyết định của Bản án sơ thẩm (Bản án có hiệu lực thi hành theo Quyết định giám đốc thẩm).

Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán đã phải hủy các quyết định và bản án đã có hiệu lực để xét xử sơ thẩm lại vì Quyết định giám đốc thẩm số 12/2017/DS-GĐT được ban hành ngày 20/01/2017 là sau khi BLTTDS năm 2015 đã có hiệu lực thi hành (01/7/2016). Theo quy định của Điều 344 BLTTDS năm 2015 về trường hợp giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa thì: “Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án”.

Như nêu ở trên thì quy định của Luật Thi hành án dân sự và của BLTTDS năm 2015 là khác nhau. Do cùng một cấp ban hành với hình thức văn bản quy phạm ngang nhau về cùng một vấn đề nên văn bản ban hành sau có hiệu lực thi hành (theo khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

Do vậy, từ 01/7/2016, Tòa án cấp giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án trong trường hợp hủy bản án của cấp trên, giữ nguyên bản án của cấp dưới chứ Cơ quan thi hành án không được tự khắc phục hậu quả đã thi hành án như quy định của Luật Thi hành án dân sự nữa.

Tuy nhiên, đối với những quyết định giám đốc thẩm đã ban hành trước ngày 01/7/2016 thì không có việc giải quyết hậu quả thi hành án nên Cơ quan thi hành án vẫn có quyền hạn thi hành như quy định của Điều 135 Luật Thi hành án dân sự.

2. Chỉ là người thuê đất, có quyền đòi người khác trả lại nhà trên đất đã thuê hay không?

Nguyên đơn Nguyễn Thu V và các đồng nguyên đơn khởi kiện đòi trả lại nhà số 79 phố TS do bị đơn Ngô Gia L đang quản lý.

Các nguyên đơn trình bày: Cụ S (cha của các nguyên đơn) thuê đất của cụ H1và làm nhà ở từ trước năm 1955 tại địa chỉ nay là 79 phố TS. Từ năm 1955, cụ S cho cụ H2 (là cha của bị đơn) ở nhờ. Ngày 21/5/1963, cụ H1 có đơn giao đất cho Nhà nước quản lý. Ngày 04/7/1963, cụ S có “Giấy xin sử dụng đất”. Ngày 31/7/1963, Sở quản lý nhà đất Hà Nội có phê duyệt đồng ý để cụ S sử dụng đất. Quá trình ở nhờ, cụ H2 có sửa chữa nhà và làm thêm nhà kiên cố ở phía sau. Cụ S và cụ H2 đều đã chết. Năm 2007, các nguyên đơn khởi kiện đòi trả lại nhà 79 TS.

Bị đơn trình bày: Gia đình ông thuê nhà từ năm 1955 nhưng là thuê của cụ H1, do cụ S là người thuê trước giới thiệu chứ không phải thuê của cụ S. Đến năm 1995, gia đình ông mới biết cụ S được cho phép sử dụng đất. Việc cho cụ S sử dụng đất là không đúng đối tượng nên gia đình ông không đồng ý trả nhà cho các thừa kế của cụ S.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2014/DS-ST ngày 25/3/2014, TAND quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã quyết định: Buộc ông L và những người đang sử dụng nhà phải trả lại nhà số 79 TS cho các nguyên đơn; các nguyên đơn phải thanh toán giá trị sửa chữa nhà cho ông L 58 triệu đồng. Ông L kháng cáo.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 136/2014/DS-PT ngày 03/7/2014, TAND thành phố Hà Nội chỉ sửa bản án sơ thẩm là ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn hỗ trợ thêm cho bị đơn 40 triệu đồng. Ông L có đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Viện trưởng VKSND cấp cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 75/2017/DS-GĐT ngày 11/8/2017, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội đã hủy Bản án phúc thẩm, Bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại. Các nguyên đơn có đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TAND tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 13/5/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hủy Quyết định giám đốc thẩm số 75/2017/DS-GĐT, giữ nguyên Bản án phúc thẩm sỗ 136/2014/DS-PT của TAND thành phố Hà Nội.

Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:

Có căn cứ xác định cụ S đã thuê đất của cụ H1 chứ không phải thuê nhà ở. Điều đó thể hiện trong đơn cụ H1 gủi UBND ngày 21/5/1963 là “cho ông S thuê, ông S làm nhà tôn lại cho thuê, tôi giao nhà nước quản lý 82,4 m 2 kể từ ngày 21/5/63”.

Quan hệ cho thuê đất tại đô thị được xử lý theo quy định tại Thông tư 73-TTg ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị. Thông tư 73-TTg có quy định tại mục 7 phần II là “Những người hiện đang sử dụng các loại đất nói ở các điểm trên đây để sản xuất, hoặc xây dựng nhà cửa để ở… thì được tiếp tục sử dụng”.

Như vậy, khác với trường hợp cho thuê nhà ở (được xử lý theo quy định tại Nghị định 19-CP ngày 29/6/1960 của Hội đồng Chính phủ về chính sách đối với việc cho thuê nhà ở của tư nhân ở các thành phố và thị xã) cần phải có văn bản quản lý hoặc bố trí sử dụng thực tế, trường hợp cho thuê đất thì Nhà nước đương nhiên quản lý không cần văn bản hay bố trí thực tế; người đang thuê đương nhiên trở thành người sử dụng hợp pháp.

Trong vụ án này, không những cụ S là người được sử dụng đất hợp pháp theo quy định của Thông tư 73-TTg mà còn được cho phép cụ thể bằng phê duyệt ngày 31/7/1963 của Sở Quản lý nhà đất thành phố Hà Nội vào “Giấy xin sử dụng đất” của cụ S.

Do đó, từ ngày 31/7/1963, cụ S vừa là người sử dụng đất hợp pháp vừa là chủ nhà cho thuê. Nhà này không thuộc diện Nhà nước quản lý thì chủ nhà hoặc người thừa kế hợp phápcó quyền đòi lại nhà theo quy định của pháp luật.

Hội đồng Thẩm phán đã nhận xét: Trong trường hợp của vụ án này, việc cụ H1 giao đất thuê cho Nhà nước là đã rõ, Quyết định giám đốc thẩm số 75/2017/DS-GĐT hủy Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm để là rõ việc cụ H1 hiến nhà hay hiến đất là không cần thiết.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số vấn đề nghiệp vụ từ các phiên tòa tháng 5/2020 của Hội đồng Thẩm phán