Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến Thẩm phán Tòa án

Mai Thoa| 06/05/2015 06:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuẩn bị triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND, TANDTC đã có Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sắp tới.

Tại buổi họp mới đây, nhiều nội dung của quy chế này đã nhận được sự đồng tình của các thành viên trong Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Thể chế Luật Tổ chức Tòa án

Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, việc xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm  phán quốc gia dựa trên các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Luật Tổ chức TAND...

Theo đó, Quy chế này đã quy định nguyên tắc hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (Hội đồng). Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể. Phiên họp của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng triệu tập và phải có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng có mặt. Mọi quyết định của Hội đồng được thông qua tại phiên họp phải có ít nhất 2/3 thành viên có mặt biểu quyết tán thành; phiên họp tuyển chọn Thẩm phán TANDTC phải được tiến hành trước các kỳ họp Quốc hội. Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia sử dụng con dấu của TANDTC.

Bên cạnh đó, Dự thảo Quy chế quy định Ban Thư ký giúp việc cho Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia về công tác hành chính và thủ tục hồ sơ để Hội đồng xem xét, tuyển chọn và đề nghị Chánh án TANDTC trình Quốc hội phê chuẩn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC; đề nghị Chánh án TANDTC trình Chủ tịch nước quyết định bổ  nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán cao cấp, trung cấp, sơ cấp... Ban Thư ký của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập gồm: Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ TANDTC, Trưởng Ban thư ký Hội đồng; Ban Thanh tra TANDTC; Tòa án quân sự Trung ương và các đơn vị trực thuộc...

Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến Thẩm phán Tòa án

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán

Dự thảo bổ sung quy định “Hội đồng họp thường kỳ mỗi quý một lần”, bảo đảm phù hợp với quy định về thẩm quyền bổ nhiệm Thẩm phán theo quy định của Luật Tổ chức TAND 2014. Bổ sung nguyên tắc xin ý kiến trực tiếp đối với các thành viên của Hội đồng (không tổ chức phiên họp) trong trường hợp đặc biệt, người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán sơ cấp và đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương mà Hội đồng không thể tiến hành phiên họp xem xét, tuyển chọn và đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp, trung cấp, sơ cấp.

Với mục tiêu đảm bảo Thẩm phán thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý; thể hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về việc bảo vệ Thẩm phán cũng như kịp thời phát hiện những vi phạm trong quá trình thực thi công vụ của Thẩm phán... để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, Dự thảo Quy chế xây dựng một chương riêng quy định chương trình, nội dung, hình thức giám sát Thẩm phán và sử dụng kết quả giám sát đó cũng như việc thể chế các yêu cầu nêu trên.

Vai trò quan trọng của Chủ tịch Hội đồng

Đánh giá cơ bản về quy chế, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đồng tình và cho rằng, TANDTC đã chuẩn bị nội dung Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia... đầy đủ và căn cứ vào các quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, có kế thừa các kinh nghiệm của các Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán TAND các cấp hiện hành.

Về nội dung nguyên tắc hoạt động của Hội đồng quy định trong Dự thảo, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành. Còn đối với quy định trường hợp không tổ chức phiên họp của Hội đồng mà xin ý kiến trực tiếp các thành viên Hội đồng đối với các trường hợp quy định tại khoản 6, Điều 68 Luật Tổ chức TAND (lấy ý kiến bằng văn bản). Trên cơ sở ý kiến bằng văn bản của các thành viên Hội đồng, Chánh án TANDTC trình Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp. Các ý kiến cho rằng vẫn còn đang mâu thuẫn với khoản 1, Điều 2 của Dự thảo và cần cân nhắc kỹ khi quy định nội dung này.

Về trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng, trong Dự thảo Quy chế quy định về việc chủ trì các cuộc họp Hội đồng; chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động tuyển chọn, giám sát của Hội đồng theo từng thời kỳ và từng năm; quyết định nội dung, thời gian tiến hành phiên họp; thông báo về kết quả phê chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức Thẩm phán... Theo quy định của Luật Tổ chức TAND, Điều 70, khoản 2 “Chánh án TANDTC là Chủ tịch Hội đồng”. Do đó, đề nghị bổ sung nội dung về trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng hoàn thiện các hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định bổ nhiệm Thẩm phán.

Các ý kiến cũng tán thành với việc có Ban Thư ký để giúp việc cho Hội đồng mà Dự thảo đã quy định. Tuy nhiên, đề nghị quy định tại chương khác cho phù hợp hơn; làm rõ vị trí, chức năng; thành phần và nhiệm vụ của Ban Thư ký cũng như cơ chế làm việc, chế độ chính sách của các thành viên Ban Thư ký.

Còn về hoạt động xem xét, tuyển chọn để đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán, theo quy định của Luật Tổ chức TAND thì nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, thủ tục phê chuẩn, bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC; thủ tục miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán và các căn cứ để tuyển chọn Thẩm phán, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán là khác nhau. Do đó, Nhóm nghiên cứu đề nghị tách riêng thành các thủ tục khác nhau cho phù hợp.

Chương trình giám sát Thẩm phán, các ý kiến đề nghị Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia quyết định chương trình giám sát hàng năm của mình theo đề nghị của Ban Thư ký. Về hình thức giám sát Thẩm phán, trong Dự thảo Quy chế có quy định nội dung giám sát theo đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, các ý kiến đề nghị quy định rõ thẩm quyền của Hội đồng xử lý kiến nghị các đơn vị chức năng của TANDTC sau khi giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, căn cứ quy định của Luật Cán bộ, công chức để làm rõ trường hợp Thẩm phán có vi phạm chưa đến mức phải đề nghị miễn nhiệm, cách chức thì tiến hành xử lý kỷ luật, bảo đảm sự thống nhất của pháp luật.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến Thẩm phán Tòa án