Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Đổi mới hình thức tổ chức phiên tòa để đáp ứng yêu cầu CCTP

Trần Minh Giang| 06/11/2015 08:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một trong các vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung các luật tố tụng là yêu cầu đổi mới hình thức tổ chức phiên tòa, đặc biệt là đối với phiên tòa hình sự.

Bố trí chỗ ngồi trong phiên tòa hình sự còn bất cập

Theo quy định, Chủ tọa phiên tòa điều hành để đại diện Viện Kiểm sát tranh luận với người bào chữa cũng như đối với những người tham gia tố tụng khác có quyền tranh luận tại phiên tòa. Như vậy, tạm gác các chức năng nhiệm vụ khác mà luật pháp giao cho VKSND thì việc tiến hành tố tụng của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa ở góc độ cụ thể so với vai trò vị trí của người bào chữa (Luật sư) tại phiên tòa là bình đẳng với nhau và bình đẳng trước Tòa án.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần đổi mới hình thức tổ chức phiên tòa theo hướng bố trí lại vị trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên (bên buộc tội) và Luật sư (bên gỡ tội) để thể hiện sự bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thuận lợi cho Luật sư khi tranh tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo.

Tại Điều 252 của Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII quy định về Phòng xử án như sau: “1- Phòng xử án phải được bố trí trang nghiêm, có gắn Quốc huy của nước CHXHCN Việt Nam. 2- Phía trên của phòng xử án gồm vị trí ngồi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và Thư ký Tòa án. Hội đồng xét xử ngồi chính giữa; Kiểm sát viên ngồi bên phải, Thư ký Tòa án ngồi bên trái Hội đồng xét xử. 3- Phía dưới của phòng xử án gồm vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa. Người bào chữa ngồi bên trái, người giám định và người phiên dịch ngồi bên phải Hội đồng xét xử. Bị cáo ngồi đối diện với Hội đồng xét xử. Bị hại, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác ngồi ở những hàng ghế đầu trong phòng xử án. Những người tham dự phiên tòa ngồi ở hàng ghế tiếp theo phía sau những người tham gia tố tụng. 4- Trường hợp cần thiết, Chủ tọa phiên tòa có thể bố trí vị trí ngồi của những người quy định tại khoản 3 Điều này để bảo đảm an ninh, trật tự tại phiên tòa...”.

Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Đổi mới hình thức tổ chức phiên tòa để đáp ứng yêu cầu CCTP

Hiện tại, vị trí ngồi của Kiểm sát viên và Thư ký phiên tòa ngang hàng với Hội đồng xét xử

Với mô hình phòng xét xử như quy định trong Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) này, qua nhiều lần hội thảo, đa số ý kiến của các chuyên gia pháp luật, nhà khoa học cho rằng “vẫn duy trì sự bất bình đẳng”. Theo Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội thì Điều 252 là quy định mới của Dự thảo nhưng nội dung chỉ là hợp thức chỗ ngồi theo vị trí chỗ ngồi của phòng xử án hiện tại. Quy định này không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng của Hiến pháp năm 2013 cũng như những nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng của các bên trong tranh tụng. Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội thì vị trí ngồi giữa bên buộc tội và bên gỡ tội cũng phải được bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và các quan điểm tranh luận tại phiên toà. Việc đổi mới vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và Luật sư chính là sự thể hiện của tinh thần thay đổi từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tranh tụng. Hội đồng xét xử giữ vai trò tài phán nên phải ngồi ở vị trí biệt lập và cao nhất. Còn đại diện Viện kiểm sát (giữ vai trò buộc tội) và Luật sư bào chữa (giữ vai trò gỡ tội) - hai thành phần này có vai trò ngang nhau trong tố tụng nên cần phải ngồi ngang hàng nhau.

Cần một mô hình phòng xét xử thực sự bình đẳng

Tại Hội thảo về đề án trang phục và phòng xét xử do TANDTC tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội,  đa số các ý kiến đều nghiêng về Phương án: Tổ chức, bố trí, sắp xếp phiên tòa (vị trí của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng) như TAND TP. Đà Nẵng hiện đang tổ chức, thực hiện theo phương án này thì Hội đồng xét xử ngồi trên cao nhất; Thư ký phiên tòa ngồi dưới một cấp, quay lưng vào Hội đồng xét xử; đại diện Viện kiểm sát và Luật sư bào chữa ngồi đối diện nhau trên một mặt bằng và ở phía dưới Hội đồng xét xử; thấp hơn nữa là vị trí của những người tham gia tố tụng, tham dự phiên tòa.

Tiến sỹ Lưu Bình Nhưỡng, Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho rằng: Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp thì cần đổi mới việc bố trí phiên tòa theo hướng: Xác định đúng vị trí của từng chủ thể theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ. Trong đó vị trí của Hội đồng xét xử có vị trí trang trọng nhất, an toàn nhất, cao nhất so với các chủ thể tham gia tố tụng khác trong phòng xử án; các chủ thể khác tham gia hoạt động tố tụng hoặc có liên quan ở vị trí thích hợp. Bên cạnh đó, cần xác định rõ cách thức bố trí phiên tòa cho từng loại việc, trong đó phân biệt rõ phiên tòa hình sự và các phiên tòa về dân sự (dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại, lao động), hành chính cho phù hợp tính chất các loại vụ, việc.

Còn theo Thẩm phán Vũ Thế Đoàn, Phó Giám đốc Học viện Tòa án thì cần thiết phải luật hóa mô hình tổ chức phiên tòa, có nghĩa là cần sắp xếp chỗ ngồi để phản ảnh bản chất hoạt động xét xử trong phiên tòa. Bởi lẽ, các phiên tòa hoặc phiên họp để giải quyết các loại vụ, việc theo thẩm quyền của Tòa án nói chung, cũng như phiên tòa hình sự nói riêng thì vị trí ngồi của người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng, đặc biệt là vị trí ngồi của Hội đồng xét xử không chỉ thể hiện rõ quyền lực của Nhà nước trong hoạt động tư pháp, mà còn phản ánh đầy đủ, sâu sắc bản chất nền công lý của chế độ; thể hiện cả bản sắc dân tộc và văn hóa tư pháp. Người bào chữa phải ngồi ngang hàng với đại diện Viện Kiểm sát mới thể hiện bản chất hoạt động xét xử vụ án hình sự; phản ảnh sự văn minh, bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trước Tòa án trong việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên. Việc Công tố viên ngồi ngang hàng Luật sư trong phiên tòa hình sự đã được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, cũng đã từng được áp dụng ở nước ta trong những thập kỷ trước đây và hiện đang được áp dụng tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Đổi mới hình thức tổ chức phiên tòa để đáp ứng yêu cầu CCTP