Dự thảo BLTTDS (sửa đổi): Cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự

Phương Nam| 07/11/2015 09:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, nhiều vấn đề quan trọng đã được cơ quan soạn thảo chỉnh lý, bổ sung trong quá trình hoàn thiện dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Có thể gửi, nhận đơn khởi kiện bằng thư điện tử

Về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong việc cung cấp chứng cứ, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đương sự có nghĩa vụ sao chụp đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ giao nộp cho Tòa án để Tòa án gửi cho các đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác. Theo UBTVQH, để bảo đảm cho các bên đương sự thực hiện được nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự thì cần quy định các bên đương sự có quyền được biết các tài liệu, chứng cứ của bên kia, làm cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về thủ tục gửi, nhận đơn khởi kiện, có ý kiến đề nghị quy định rõ hình thức gửi đơn khởi kiện bằng thư điện tử, trực tuyến nhằm bảo đảm thuận tiện cho người khởi kiện và tránh sự lạm dụng. UBTVQH cho rằng việc gửi, nhận đơn khởi kiện qua thư điện tử, trực tuyến sẽ đơn giản hóa được các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị: “Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp” và “người dân chỉ nộp đơn đến Tòa án, Tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn”. Tuy nhiên, cũng như các thủ tục hành chính khác được thực hiện qua thư điện tử, trực tuyến thì việc gửi, nhận đơn khởi kiện qua thư điện tử, trực tuyến phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Về tổ chức phiên họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ. Hiến pháp năm 2013 quy định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Để cụ thể hóa quy định này trong tố tụng dân sự thì cần thiết phải quy định trong BLTTDS (sửa đổi) về quyền tiếp cận, công khai chứng cứ giữa các bên đương sự, bảo đảm tăng cường sự công khai, minh bạch, tạo điều kiện tốt hơn cho các bên đương sự thực hiện quyền tranh tụng của mình và bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc dân sự cần bảo đảm nhanh, gọn để bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, tránh hình thức, gây tốn kém cho họ, cũng như tránh kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Vì vậy, UBTVQH đề nghị tiếp thu ý kiến của ĐBQH theo hướng không quy định có một phiên họp riêng về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ, mà nội dung này nên quy định thực hiện ngay trong phiên hòa giải để các bên đương sự có thể hòa giải, trình bày quan điểm của mình về những nội dung tranh chấp, vừa để các bên có điều kiện trao đổi, tiếp cận, công khai chứng cứ. Chỉ đối với các vụ việc không được tiến hành hòa giải (quy định tại Điều 206 của dự thảo Bộ luật) thì mới tổ chức một phiên họp riêng để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ.

Về công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án, UBTVQH cho rằng cần thiết quy định việc Tòa án thụ lý giải quyết và ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, bảo đảm cho các bên thực hiện đúng ý chí, quyền dân sự của mình. Tòa án chỉ xem xét công nhận kết quả hòa giải các vụ việc ngoài Tòa án giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền, tổ chức có nhiệm vụ thực hiện theo quy định của pháp luật tiến hành hòa giải (như kết quả hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải cơ sở, Luật Thương mại, Bộ luật lao động, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...).

Về sự tham gia xét xử các vụ án lao động của Hội thẩm là đại diện của tổ chức Công đoàn: Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ trong dự thảo về quyền tham gia của các tổ chức Công đoàn là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; quyền của đại diện công đoàn được làm Hội thẩm nhân dân để tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm trong vụ án lao động. Một số ý kiến đề nghị tùy vào tính chất của vụ án, Chánh án TAND sẽ phân công Hội thẩm có năng lực phù hợp tham gia xét xử.

UBTVQH nhận thấy, các vụ án lao động có nhiều đặc thù riêng so với các vụ án dân sự khác; người lao động được coi là người yếu thế trong quan hệ lao động. Luật Công đoàn có quy định về chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp  pháp của tập thể lao động và người lao động trước Tòa án. Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng quy định rõ vai trò của tổ chức công đoàn trong tố tụng dân sự. Đại diện tổ chức công đoàn có thể là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Khi xét xử vụ án lao động, trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm có Hội thẩm nhân dân là đại diện công đoàn hoặc người có hiểu biết về pháp luật lao động.

Đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự

Về án lệ trong tố tụng dân sự, nhiều ý kiến đề nghị không quy định về án lệ trong dự thảo Bộ luật này, mà do Hội đồng thẩm phán TANDTC quy định trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014. Theo UBTVQH, việc áp dụng án lệ trong xét xử đã được quy định trong Luật tổ chức TAND. Do đó, không cần thiết nhắc lại trong Bộ luật này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị bỏ quy định về áp dụng án lệ trong dự thảo Bộ luật. Trình tự, thủ tục ban hành án lệ, giá trị áp dụng của án lệ…. sẽ được quy định trong một văn bản khác để áp dụng chung trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính là phù hợp.

Về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, nhiều ý kiến của ĐBQH đều tán thành và đề nghị cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý các điều luật để thể hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự được thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Các chủ thể trong quan hệ tố tụng dân sự đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện hoặc bảo đảm thực hiện tranh tụng.

Điều 24 quy định về nguyên tắc chung bảo đảm tranh tụng trong xét xử: Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng, tranh luận trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.

Về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự, đa số ý kiến tán thành có quy định thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự nhưng cần quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng đầy đủ, rõ ràng hơn. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng quy định những vụ án được lựa chọn để giải quyết theo thủ tục rút gọn phải bảo đảm được điều kiện là vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, đủ cơ sở giải quyết, Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo BLTTDS (sửa đổi): Cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự