Hoạt động kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự

Phương Nam| 18/06/2019 10:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 33 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền giám sát của các cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, góp phần phòng ngừa và khắc phục oan sai, bỏ lọt tội phạm, Bộ luật tố tụng hình sự quy định nguyên tắc chung về giám sát đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Việc kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 33 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thường xuyên kiểm tra việc tiến hành các hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền; thực hiện kiểm soát giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

2. Cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Nếu phát hiện hành vi trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử có quyền yêu cầu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết theo quy định của Bộ luật này. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định của pháp luật.

 Như vậy, để đảm bảo quá trình thực hiện hoạt động tố tụng diễn ra công khai, minh bạch, công bằng, tuân thủ pháp luật thì bắt buộc phải hình thành cơ chế kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau và giữa cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Hoạt động kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự

Ảnh minh hoạ

Trên thực tế, hoạt động tố tụng hình sự đóng vai trò hết sức quan trọng đối với công tác ban hành, áp dụng pháp luật để ổn định trật tự xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, quá trình xét xử và tuyên án có khả năng thay đổi cả vận mệnh, cuộc đời của một công dân, do vậy đòi hỏi tính chính xác, đảm bảo sự thật khách quan, công bằng rất cao. Cho nên, việc tiến hành kiểm tra, giám sát là hoạt động hết sức cần thiết để tăng tính trách nhiệm, kỹ lưỡng trong tất cả các khâu, các cá nhân, cơ quan được pháp luật trao cho thẩm quyền lập lại ổn định trật tự xã hội bằng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án,... giảm đến mức thấp nhất các trường hợp xảy ra sai sót, xét xử oan sai, đi lệch hướng các nguyên tắc đề ra trong tố tụng hình sự.

Giám sát là công cụ cần thiết của việc củng cố kỷ luật, kỷ cương, pháp chế, trật tự và tính có tổ chức trong quá trình hoạt động của nhà nước nói chung, của các bộ phận cấu thành của nó nói riêng – hoạt động của các cơ quan đại diện quyền lực, hoạt động của các cơ quan chấp hành – điều hành, hoạt động của các cơ quan tư pháp. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền giám sát của các cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, góp phần phòng ngừa và khắc phục oan sai, bỏ lọt tội phạm, Bộ luật tố tụng hình sự quy định nguyên tắc chung về giám sát đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Đây là nguyên tắc mới được bổ sung vào Bộ luật tố tụng hình sự, có ý nghĩa trên nhiều phương diện.

Điều luật quy định chủ thể có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là cơ quan nhà nước, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử. 

Nội dung giám sát là hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan và những người đó. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện những hành vi trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thì chủ thể giám sát có quyền yêu cầu (cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử), có quyền kiến nghị (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận) với cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét, giải quyết).

Theo quy định của điều luật đang được bình luận cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu của các chủ thể có quyền giám sát theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự