Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, chiều 20/6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã lắng nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, dự thảo Luật gồm 117 Điều, với bố cục 12 Chương, tăng 1 Chương và 31 Điều so với Luật Khoáng sản năm 2010.
Dự thảo Luật được xây dựng với bố cục, nội dung được bám sát vào 5 chính sách đã được thông qua, gồm: Chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản. Hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản. Hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Hoàn thiện chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản.
Dự thảo Luật có một số điểm mới, như: Quy định về điều tra cơ bản địa chất (Chương III); phân nhóm khoáng sản (Điều 7 và Chương VI); tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương (chi tiết thể hiện tại mục V). Bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản…
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, sau 13 năm thi hành, Luật Khoáng sản đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. Đó là, chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất.
Ngoài ra, thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp… Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản là cần thiết.
Rà soát, bổ sung các quy định về lĩnh vực địa chất
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, đa số ý kiến Ủy ban nhất trí với tên gọi dự thảo Luật, song, để bảo đảm cân đối thành tố “địa chất” và “khoáng sản” đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về lĩnh vực địa chất trong dự thảo luật.
Về phân nhóm khoáng sản (Điều 7), Ủy ban cơ bản thống nhất với quy định phân 4 nhóm khoáng sản như dự thảo Luật, trong đó tách riêng nhóm khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường (nhóm III) và khoáng sản làm vật liệu san lấp (nhóm IV).
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, một số loại khoáng sản có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và phụ thuộc vào trình độ công nghệ ở thời điểm điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng nên khó xác định thuộc nhóm khoáng sản nào, gây chồng chéo thẩm quyền quy hoạch khoáng sản, có thể dẫn đến lãng phí tài nguyên hoặc ảnh hưởng đến vấn đề dự trữ tài nguyên quốc gia. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các loại khoáng sản nhóm IV và làm rõ nội hàm khoáng sản “chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp” (điểm d khoản 1) để đơn giản hóa thủ tục khai thác cát sông, cát biển làm vật liệu san lấp.
"Đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu giải trình, tiếp thu các ý kiến nêu trên, tránh khoảng trống pháp lý dẫn đến sai phạm, thất thoát, lãng phí. Ngoài ra, quy định phân nhóm khoáng sản cần lưu ý các vấn đề liên quan đến một số khoáng sản như than, quặng phóng xạ, titan, bauxit và mối quan hệ giữa than, dầu và khí, đá phiến", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu quan điểm .