Người phụ nữ 70 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao, bị chuột cắn vào chân, vết thương có dấu hiệu hoại tử, đau nhức, đi lại khó.
Ngày 8/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, vừa tiếp nhận và điều trị người bệnh V.T.L. (70 tuổi, ở Việt Trì, Phú Thọ) bị sốt cao, sưng tấy lan tỏa toàn bộ mu chân lên cổ chân do bị chuột cắn.
Theo lời kể của người nhà, cách ngày vào viện 1 tháng, bà L. bị chuột cắn vào mu chân nhưng không xử trí vết thương. 5 ngày trước khi vào viện, bà bị sốt cao, sưng đau nhức mu chân phải, đi lại hạn chế.
Khi vào viện, tại trung tâm vết cắn đang có dấu hiệu hoại tử ướt. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Lý - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, qua hội chẩn chuyên môn các bác sĩ chẩn đoán viêm mô mềm/bệnh Sodoku do chuột cắn. Bệnh nhân được điều trị đặc hiệu với kháng sinh Doxycyclin 100mg x 4 viên/ngày, giảm phù nề, giảm đau.
Sau 10 ngày điều trị, tình trạng sưng nề giảm, sức khỏe bệnh nhân ổn định hơn.
Sốt do bị chuột cắn là một bệnh khá hiếm gặp. Phần lớn người bệnh có biểu hiện các triệu chứng mức độ nhẹ và đáp ứng tốt với các thuốc kháng sinh thông thường, nhưng có thể dẫn đến những biến chứng nặng với tỷ lệ tử vong khoảng 13% nếu không được điều trị kịp thời.
"Bệnh sốt chuột cắn do lây trực tiếp qua các vết cắn, vết cào, hoặc gián tiếp thông qua tiếp xúc, hoặc ăn các thức ăn có lẫn nước tiểu của chuột chứa mầm bệnh. Do vậy, người dân cần tăng cường bác biện pháp diệt chuột, vệ sinh khu nhà ở, khu dân cư sạch, thoáng nhằm loại bỏ nơi trú ẩn của chuột; không nên nuôi chuột, không ăn các thức ăn, đồ uống nghi ngờ có sự tiếp xúc của chuột.
Khi bị chuột cắn cần đến khám, tư vấn của bác sĩ để xử lý vết cắn đúng và được kê đơn thuốc điều trị ban đầu", bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Lý khuyến cáo.