Mỗi mùa Tết xưa, tiếng pháo đã là một “đặc sản” không thể nào vắng mặt. Ai nấy đều thuộc nằm lòng câu thơ: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ- Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".
Đốt pháo (pháo dây) là một truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam nói riêng và các dân tộc châu Á nói chung. Đốt pháo Tết đã trở thành một nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thấm đẫm tính tâm linh tích tụ từ đời này sang đời khác. Mỗi mùa Tết xưa, tiếng pháo đã là một “đặc sản” không thể nào vắng mặt.
Theo phong tục, việc đốt pháo đêm giao thừa có ý nghĩa xua đuổi tà ma hay những điều xui xẻo, hoặc đưa tiễn cái cũ để đón những điều mới, may mắn, tốt tươi (Tống cựu nghinh tân). Tiếng pháo như tiếng vui chào rộn rã, đón rước ông bà tổ tiên về vui vầy cùng con cháu sum họp, đón ông Táo về nhà giữ ấm cúng bếp núc, đón ngài Hành Khiển về phù hộ gia chủ...
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tiếng pháo đêm giao thừa như đánh dấu cột mốc tôn nghiêm, thời khắc chuyển giao giữa cũ và mới, giữa mùa đông giá lạnh và mùa xuân ấm áp, giữa những buồn vui, nhọc nhằn trong năm cũ và những hy vọng tốt đẹp đang chờ đón trong năm mới. Thời khắc lòng người như giao hòa cùng đất trời, cùng thiên nhiên, vừa xao xuyến vừa hoan ca, như thỏa lòng mong đợi sau một năm với bao lo toan vất vả.
Đêm giao thừa là những giây phút rất quý báu, rất thanh bình, rất riêng tư cho mỗi gia đình đoàn tụ sau một năm xuôi ngược mưu sinh, thắt chặt thêm mối dây liên kết gắn bó. Đó là những mảnh ghép trong bức tranh đất nước đón năm mới thái bình, an lạc.
Trở lại với pháo, tiếng pháo giòn giã, mùi khét của khói thuốc súng, xác pháo phủ khắp trên những con đường ngày Tết đã đi vào lòng người, đi vào thơ ca, nhạc họa:
"Bánh chưng chất chặt chừng hai chiếc,
Rượu thuốc ngâm đầy độ nửa siêu.
Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo,
Nguyên tiêu cao ngất một cành tiêu!”
Nhưng giờ đây, những tiếng “ đùm đùm” của dây pháo ngày Tết, xác pháo nhuộm đỏ dãy phố hay những đứa trẻ xếp hàng với ánh mắt hiếu kì trước cửa tiệm pháo,... đã chỉ còn là hoài niệm trong khoảng ký ức của mỗi người Việt. Có người đùa, rằng Tết nay đã “nhạt” rồi, đã thiếu vắng đi cái thiêng liêng ấm cúng ngày xưa,...
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thiết nghĩ, Tết khác hay con người ta đổi khác, cũng chỉ là cách nhìn. Dù không còn tiếng pháo tép, không phải nay đã có những bông pháo hoa rực rỡ trên bầu trời, thắp sáng hi vọng cho năm với những vận hội mới đó sao? Xã hội thay đổi, không khỏi kéo theo những tập tục xưa cũ cũng phải đổi thay cho phù hợp. Vậy mong rằng mỗi chúng ta, trong những ngày này, thay vì mãi lăn tăn về những chuyện xưa cũ, sẽ dành thời gian tìm thấy một góc nhỏ an nhiên cho chính mình. Để ăn Tết, để cảm Tết, để thấy Tết xưa hay Tết nay, mỗi mùa một vẻ nhưng vẫn luôn đẹp và ấm áp tình người.