Chẳng phải người trong nghề “cày chữ kiếm cơm” hay giới trí thức áo cổ cồn, tóc vuốt keo bóng loáng, toàn thân mùi nước hoa thơm phức mới biết đến “danh xưng” kền kền, mà trở nên rất phổ biến và có những người chẳng biết vì sao lại bị chửi là kền kền.

1. Kền kền là một loài chim chuyên ăn thịt đã thối rữa, thường thấy là xác chết trên các chiến trường. Nơi đâu có chiến tranh, giết chóc thì thường xuất hiện loài chim này.

Đối với các nhà sinh thái học, nghiên cứu môi trường, kền kền là loài động vật có ích. Chúng làm cho môi trường sạch hơn bởi tập tính ăn xác chết, hay tranh cướp xác chết với các loài động vật khác. Nói cách khác, kền kền giúp “dọn dẹp các tử thi động vật”.

Rõ ràng, nhìn một cách công bằng, chúng ta cần những động vật như kền kền. Thế nhưng, theo quan điểm của số đông, kền kền cũng như chim lợn, là loại động vật mang lại điềm gở, điều xui xẻo, vì nó gắn liền với cái chết.

2. Trong văn hóa phương Tây, những nhà báo theo chủ nghĩa giật gân tìm kiếm các tin tức về các vụ phạm tội đẫm máu đã trở thành... nhà báo kền kền.

Hóa thân của kền kền

Nhà báo Kevin Carter từng đoạt giải Pulitzer (một giải thưởng danh giá của báo giới Mỹ) với nhiều tác phẩm ảnh, trong đó có bức ảnh “Kền kền chờ đợi”. Trong bức ảnh này, một con kền kền đang đứng chờ trước một bé gái châu Phi đang kiệt sức dần vì nạn đói, cố gắng lết đi

Thời đại công nghệ số, nhiều bạn trẻ ăn facebook, ngủ facebook, đến ngồi toilet cũng... facebook, thì hình tượng kền kền ngày càng trở nên phổ biến hơn. Kền kền được lai tạo thành nhiều phiên bản khác nhau, và được áp dụng với những cây bút, những bài báo không chỉ bởi “có mùi máu” trong đó.

3. “Kền kền” hiện nay có thể “bay” khắp nơi, từ báo chính thống đến báo lá cải, từ báo in tới báo mạng, từ diễn đàn nọ tới mạng xã hội kia. Và đối tượng được “kền kền” nhắm tới nhiều nhất hiện nay chính là chuyện đời tư của các nhân vật nổi tiếng (đó là chính khách, doanh nhân, những ngôi sao trong làng giải trí...), hay chuyện bên lề các vụ án hình sự có độ tương thích lớn với độc giả...

Chẳng may nói hớ, hoặc mặc “lộ” (nhất là người nổi tiếng), coi chừng! “Kền kền” đang chờ đó. Chỉ cần tin nóng sốt, anh sẽ trở thành đám ruộng màu mỡ để các biên tập viên, phóng viên salon cày xới, khai thác, nhai đi nhai lại, thông tin có khi chẳng có gì, nhưng khác... tít là được (!?).

4. Quy trình tác nghiệp khi có một tin sốt dẻo bay tới là gì? Hãy nhớ lại vụ hoa hậu Kỳ Duyên ngủ trên khoang VIP máy bay. Với dáng ngủ khó đỡ hồi tháng 6 năm ngoái bị chụp lại và khi bức ảnh được tung lên facebook, nó đã lan truyền với tốc độ… tên lửa.

Hoảng hồn với dáng ngủ “khó đỡ”…; Phát hoảng vì dáng ngủ “khó đỡ”…; Hoa hậu Kỳ Duyên gây choáng với tư thế ngủ khó đỡ; Dáng ngủ "kém duyên khó đỡ" của Hoa hậu Kỳ Duyên, v.v… và v.vv… cùng vô vàn tít khác xuất hiện nhan nhản trên các báo điện tử, trang tin điện tử...

Quả là, trong thời đại công nghệ số như hiện nay, chuyện nàng Hoa hậu Kỳ Duyên nói trên quả là “tin tốt” cho nhiều báo. Tin nóng hút view, độc giả ghé thăm nhiều, và doanh thu quảng cáo từ Google Adsense cứ từ từ đổ vào tài khoản. Không chỉ có thế, những khách hàng tiềm năng chắc chắn sẽ ùn ùn xếp hàng chờ đợi “book” đẹp trên báo.

5. Tương tự, bất cứ thông tin, hình ảnh nào đưa lên mạng xã hội, nhất là facebook, cũng có thể trở thành nguyên liệu để cho ra lò những bài viết câu view như vậy. Nắm bắt xu thế độc giả thông qua công cụ Google trends, việc sản xuất tin, bài kiểu mới có vẻ hấp dẫn hơn rất nhiều, đặc biệt với những phóng viên phòng lạnh.

Một nàng thỏ thẻ: “Trời nắng thế này, ra ngoài lại phải kem chống nắng. Nắng cháy da cháy thịt, nhỡ thành Bao Công thì sao”... Vậy là, chỉ sau vài cú click chuột, tìm được ngay tin hot. Vợt về, thêm mắm dặm muối, thế là có tin. Đơn giản, nhanh, và hiệu quả(!?).

6. Cũng bởi cách làm này mà khá nhiều kẻ vì muốn nổi tiếng (cá nhân) hoặc làm cho người khác “bị nổi tiếng” đã “vô tư” tung lên facebook những hình ảnh, những thông tin cực shock, cực hot ở chế độ “public” (để tất cả mọi người cùng xem). Và vô tình, nhiều trang tin, nhiều báo, hay những phương tiện truyền thông lại bị chính những kẻ tung scandal “xỏ mũi” mà không biết (hoặc “tự nguyện” bị xỏ mũi).

Điển hình, hot girl ngực khủng Lê Thị Huyền Anh từng xây nên một “Đế chế Bà Tưng”. Hot boy tự phong Kenny Sang cũng từng khiến cộng đồng mạng bị ngạt thở trong ma trận tin tức về “Võ Tắc Thở Kenny Sang”. Hay Thánh Cô Bóc Bóc nổi đình đám hồi năm ngoái khiến nhiều sao nổi tiếng bị stress, sống dở chết dở...

7. Trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Dân Việt nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm 2014, nhà báo Phan Lợi, quản trị Diễn đàn Nhà báo trẻ cho biết, việc bình chọn "Giải kền kền" dựa trên tiêu chí "sai, hại, ác, sốc, sến, nhảm, không chuẩn mực và vụ lợi”. Và anh chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của “Giải kền kền” như sau:

“Tôi nhớ vào tháng 6/2013, Nick Vujicic đến Việt Nam là một sự kiện truyền thông rất lớn. Sự xuất hiện của Nick đem lại sự hứng khởi, hưởng ứng rất lớn bởi anh là biểu tượng cho nghị lực, ý chí vươn lên của con người. Khi đó, một tờ báo điện tử nhân sự kiện này đã giật tít bài “Chuyện ấy" của những người như Nick”. Gần như ngay lập tức, tít bài này gây sốc lớn trên diễn đàn”.

8. Năm ngoái, khi vụ án mạng kinh hoàng xảy ra rạng sáng ngày 7/7 tại tỉnh Bình Phước đang trở thành tâm điểm dư luận báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (thời điểm đó đang là Thứ trưởng Bộ TT&TT) đã buộc phải đưa ra thông tin chỉ đạo các báo ngừng đưa những thông tin giật gân, câu khách, chạm đến nỗi đau của nạn nhân, xã hội.

Ông Trương Minh Tuấn nói: “Tôi thật bất ngờ trước một lượng thông tin khổng lồ của các tờ báo về vụ án mạng đau lòng ở Bình Phước. Khổng lồ ở đây là mật độ dày đặc trên các báo, nhất là báo điện tử và mạng xã hội. Thực tế đó chỉ là những thông tin được nhào nặn để kích thích sự tò mò”.

9. Trong bất cứ nghề nào cũng có những quy định liên quan đến trách nhiệm, lương tâm, và những cái gọi là đạo đức nghề nghiệp, những hành vi đi ngược lại nhằm bất kỳ động cơ nào cũng là phi đạo đức, là bán rẻ lương tâm.

Rõ ràng, ở bài viết về “chuyện ấy của những người khuyết tật” trong câu chuyện của nhà báo Phan Lợi kể trên, về nội dung bài viết không vấn đề gì, thế nhưng theo anh tít bài đã “giết chết” bài viết. Và, việc “ăn theo tên của một người khuyết tật nổi tiếng” chính là sự câu khách “một cách độc ác”!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hóa thân của kền kền