Các mảnh hóa thạch của một con chim cánh cụt khổng lồ gần bằng kích thước của một người trưởng thành đã được tìm thấy ở đảo Nam của New Zealand, các nhà khoa học hôm nay công bố.
Nhà nghiên cứu của Bảo tàng Canterbury Vanesa De Pietri (trái) cho biết khám phá này củng cố lý thuyết rằng chim cánh cụt đạt được kích thước lớn ngay từ đầu trong quá trình tiến hóa của chúng
Các nhà nghiên cứu cho biết, con chim biển khổng lồ này cao 1,6 mét (63 inch) và nặng 80 kg, nặng gấp bốn lần và cao hơn 40 cm so với chim cánh cụt Hoàng đế hiện đại. Được đặt tên là "crossvallia waiparensis", nó sống ở ngoài khơi bờ biển New Zealand trong kỷ nguyên Paleocene, 66-56 triệu năm trước.
Một thợ săn hóa thạch nghiệp dư đã tìm thấy xương chân của loài chim này vào năm ngoái và nó đã được xác nhận là một loài mới trong nghiên cứu được công bố trong tuần này trên một tờ tạp chí chuyên ngành của Australia. Nhà nghiên cứu Vanesa De Pietri thuộc Bảo tàng Canterbury cho biết, đây là loài chim cánh cụt khổng lồ thứ hai thuộc kỷ nguyên Paleocene được tìm thấy trong khu vực. "Nó tiếp tục củng cố lý thuyết của chúng tôi rằng chim cánh cụt đạt được kích thước lớn ngay từ đầu trong quá trình tiến hóa của chúng", cô nói.
Các nhà khoa học trước đây đã suy đoán rằng chim cánh cụt khổng lồ cuối cùng đã chết vì sự xuất hiện của các loài săn mồi biển lớn khác như hải cẩu và cá voi có răng. New Zealand nổi tiếng với những loài chim khổng lồ đã tuyệt chủng, bao gồm cả loài chim moa không biết bay, cao tới 3,6 mét và đại bàng Haast, có sải cánh dài tới ba mét.
Mới tuần trước, Bảo tàng Canterbury đã công bố phát hiện mới về một con vẹt tới 1m và sống cách đây khoảng 19 triệu năm.