Những năm gần đây, tranh chấp đất đai ở huyện An Dương, thành phố Hải Phòng ngày càng nhiều, tính chất mức độ ngày càng phức tạp. Những nỗ lực của Trung tâm hòa giải đã giúp hóa giải những mâu thuẫn, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Hóa giải mâu thuẫn bằng hòa giải thành
Vụ án tranh chấp dân sự đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất giữa người khởi kiện bà Nguyễn Thị Mới và người bị kiện là ông Ngô Văn Thênh nằm trong số vụ phức tạp, dẫn đến mâu thuẫn. Các bên đương sự là hàng xóm liền kề, trú tại Thôn Đình Ngọ 2, xã Hồng Phong, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Gia đình bà Mới có lô đất thổ cư diện tích 1.008 m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2017. Thửa đất gia đình bà Mới giáp ranh với hộ gia đình ông Thênh. Cuối năm 2017, gia đình ông Thênh cho hai người khác thuê đất để làm cửa hàng kinh doanh. Quá trình xây dựng đã xây lấn vào phần đất của gia đình mình nên bà Mới nhắc nhở nhưng họ nói không biết, chỉ làm theo thỏa thuận với gia đình ông Thênh và tiếp tục hoàn thiện công trình, đã đưa vào sử dụng. Bà đã làm đơn và UBND xã đã mời hai gia đình lên và đã thống nhất phần diện tích của hai hộ. Nhưng khi xuống tiến hành đo đạc thực tế thì ông Thênh lại không đồng ý cách giải quyết trước đó. UBND xã đã 3 lần tiến hành đo đạc đều không thành vì ông Thênh cản trở. Bà Mới tiếp tục làm đơn đề nghị UBND xã hòa giải nhưng không thành vì ông Thênh, bà Biên không chấp hành… Ngày 19/6/2018, Nguyễn Thị Mới làm đơn đề nghị TAND huyện An Dương giải quyết việc ông Thênh trả cho bà diện tích gần 25 m2 đất tại nơi cư trú.
Sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án huyện đã phối hợp với Trung tâm hòa giải huyện An Dương giải quyết.
Những nỗ lực hòa giải đã đem lại kết quả tốt đẹp
Ngay từ đầu, các thành viên đều nhất trí đánh giá vụ kiện xuất phát từ mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai đã gây căng thẳng trong quan hệ xóm làng giữa hai hộ gia đình ở liền kề nhau. Họ nhận thấy nếu chỉ căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp hoặc do chính quyền địa phương đang quản lý, lưu giữ sẽ không giải quyết được vụ việc…
Quá trình giải quyết, các cán bộ hòa giải đã nhiều lần xuống cơ sở nắm tình hình và kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức hòa giải tại trụ sở UBND xã. Hòa giải viên đã kết hợp với các bên đương sự cùng đo đạc và thực hiện luôn việc hòa giải khi đo để các bên đương sự thống nhất với nhau từng điểm cụ thể. Khi hòa giải, đương sự có những ý kiến trái chiều, thể hiện thái độ không hợp tác. Bên bị kiện không công nhận kết quả giải quyết của chính quyền nên cản trở không cho đo đạc, cắm mốc giới trên thực địa. Nhưng với sự nhiệt tình của hòa giải viên cùng với kinh nghiệm giải quyết những vụ tương tự trước đây của TAND, sự kiên trì hòa giải, phân tích, thuyết phục, các bên đương sự đã thỏa thuận với nhau toàn bộ vụ việc; đã tiến hành đóng cọc, căng dây ngay tại hiện trường. Sau hòa giải, ngày 4/7/2018, bà Mới đã làm “Đơn xin rút đơn khởi kiện” gửi TAND huyện An Dương. Bà Mới đã xây dựng hàng rào làm ranh giới phân chia đất giữa hai hộ mà ông Thênh vui vẻ chấp thuận, kết thúc việc tranh chấp giữa hai bên.
Luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Hòa giải viên Trung tâm hòa giải huyện An Dương
Sau khi đã trút bỏ những khúc mắc, ông Thênh vui vẻ chia sẻ rằng đã “tâm phục khẩu phục” với cách giải quyết của cán hộ hòa giải của Trung tâm hòa giải huyện An Dương. Ông Thênh cho biết vì không tin cách giải quyết của địa phương nên ông không hợp tác và cản trở. Nhưng lần này, với cách làm của cán bộ hòa giải rất dân chủ, lắng nghe dân, xuống thực địa làm rõ thực trạng, đo đạc, cắm mốc và xây bờ ghềnh một cách rõ ràng, minh bạch nên ông tin tưởng, đồng ý. Sau hòa giải, ông không thắc mắc và nhất trí để gia đình bà Mới xây tường ngăn theo đúng phần đất của mỗi bên. Bà Mới sau khi được hòa giải và được ông Thênh nhất trí cho xây tường ngăn đúng phần đất nhà mình đã tự nguyện làm đơn xin rút đơn gửi TAND huyện An Dương và vui vẻ, hòa đồng trở lại với gia đình ông Thênh.
Ông Ngô Văn Thênh- người bị kiện đã vui vẻ chấp hành sau hòa giải thành
Chia sẻ với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Thanh Tùng- Hòa giải viên của Trung tâm hòa giải huyện An Dương cho biết, ông rất vui khi được góp phần vào những thành công trong chương trình thực hiện thí điểm công tác hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng. Theo ông Tùng, vụ việc này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực trong việc xử lý triệt để, tận gốc mẫu thuẫn trong nhân dân ở nông thôn. Vốn là luật sư đã hỗ trợ cho nhiều thân chủ và có kinh nghiệm, ông Tùng cho rằng tiêu chí ban đầu của Hòa giải viên là sự công tâm. Nếu trong các vụ, việc được thân chủ mời để bảo vệ quyền lợi cho một phía, luật sư thường chỉ quan tâm tìm hiểu, thu thập những gì có lợi cho bên mình bảo vệ, vì thế, thường sẽ khó có sự khách quan, công tâm và đôi khi đẩy sự việc đến phức tạp, căng thẳng. Nhưng khi nhận tham gia với Trung tâm hòa giải, đối thoại thì Hòa giải viên cần có cái nhìn khách quan, toàn diện từ nhiều phía. Điều này rất quan trọng và là nền tảng quyết định đi đến hòa giải thành công. Việc nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm bắt tâm lý các bên và hoàn cảnh thực tế là rất quan trọng. Tiếp đó, theo ông Tùng, người làm công tác hòa giải phải có nhiều kinh nghiệm trên cơ sở nắm vững được các quy định hiện hành, tâm lý của đương sự…
Về tính khả thi của đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, khiếu kiện hành chính, ông Tùng thẳng thắn cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn và rất hữu hiệu, nhất là để giải quyết tranh chấp trong nội bộ nhân dân.
Vụ việc đã khép lại trong không khí vui vẻ của các bên đương sự, với sự đồng tình cao của chính quyền cơ sở… Đây thật sự là một trong những khởi đầu tốt cho công tác thí điểm hòa giải, đối thoại mà TANDTC đã triển khai thí điểm tại Hải Phòng.