Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ được QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Đây là dự luật mới nhận được sự quan tâm của người dân và các ĐBQH. PV đã có cuộc trò chuyện với ĐB Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng như việc xây dựng dự án Luật này được người dân đặc biệt quan tâm. Là ĐBQH đồng thời cũng là một luật sư, ông đánh giá về dự án Luật này?
ĐB Nguyễn Văn Chiến: Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp bằng một phán quyết của Tòa án thường được coi là lựa chọn cuối cùng, bởi người Việt xưa có câu ngạn ngữ “Vô phúc đáo tụng đình”, hay “Một đời kiện, chín đời thù”. Ngược lại, hòa giải, đối thoại luôn được coi là phương thức hữu hiệu để giải quyết tranh chấp trong đời sống xã hội bởi những ưu việt của phương thức này. Mặc dù vậy, trên thực tế, quy định của pháp luật về hòa giải, đối thoại còn nhiều hạn chế.
Với bối cảnh pháp luật thực tiễn và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đứng trước thách thức phải đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm tạo bước cải cách đột phá trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; bảo đảm cho việc phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, xã hội hóa việc giải quyết các tranh chấp theo phương thức không đối đầu, hướng tới xây dựng các mối quan hệ trong xã hội một cách hòa bình, ổn định lâu dài.
ĐB Nguyễn Văn Chiến
Hiện nay, TANDTC đang xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm tăng cường hòa giải, đối thoại, thu hút các nguồn nhân lực trong xã hội tham gia vào hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tôi cho rằng đó là điều rất cần thiết. Bởi vì, hòa giải, đối thoại là một trong những nguyên tắc tố tụng được quy định tại nhiều văn bản như Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính… Theo các văn bản này, Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải, đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc.
PV: Ông có thể giải thích rõ hơn vấn đề này được không?
ĐB Nguyễn Văn Chiến: Hòa giải, đối thoại sẽ giúp các bên được quyền tự quyết định việc giải quyết tranh chấp của mình; tìm được tiếng nói chung để giải quyết, xoa dịu mâu thuẫn; hạn chế việc phải đưa tranh chấp, khiếu kiện ra xét xử tại Tòa án, từ đó tiết kiệm được thời gian, công sức của Nhà nước và các bên.
Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều loại hình hòa giải, đối thoại; trong đó các loại hình hòa giải, đối thoại ngoài Tòa án, hòa giải, đối thoại trong tố tụng đã hình thành và phát triển từ lâu. Mỗi loại hình hòa giải qua thực tiễn áp dụng đạt được những kết quả nhất định, nhưng còn nhiều vướng mắc dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng nhiều và phức tạp. Hơn nữa, kết quả hòa giải không có giá trị bắt buộc nên hiệu lực thi hành không cao.
Xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, việc xây dựng một đạo luật để quy định về hòa giải, đối thoại tại tòa án là hết sức cần thiết. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ra đời sẽ tạo thêm một cơ chế để các bên tự nguyện hòa giải, đối thoại nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, hành chính hiệu quả hơn.
Cơ chế hoà giải, đối thoại này độc lập, song song với các cơ chế hiện có; không mâu thuẫn, không triệt tiêu, không thay thế các cơ chế hoà giải, đối thoại khác trong tố tụng cũng như ngoài tố tụng hiện có; tăng cường phương thức tiếp cận công lý, nâng cao quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hơn nữa, đạo luật này còn giúp giảm thiểu rất nhiều vấn đề khiếu nại, tố cáo hiện đang rất bức xúc và ngày càng tăng.
Hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động đặc thù so với hòa giải trong tố tụng hoặc hòa giải ngoài tố tụng khác. Đây là chế định được kỳ vọng đặt ra nhằm khắc phục được những hạn chế về sự cứng nhắc của hòa giải trong tố tụng, sự kém hiệu quả của hòa giải ngoài tố tụng khác; phát huy được những ưu điểm về hiệu lực thi hành qua quyết định công nhận kết quả hòa giải của Tòa án. Chính vì vậy, việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án có đặc thù khác biệt với hoạt động xét xử.
Xét xử là căn cứ vào tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật để ra quyết định, sẽ có bên đúng, bên sai. Hòa giải, đối thoại là việc các hòa giải viên, đối thoại viên dùng những kỹ năng chuyên biệt của mình để giúp các bên hiểu hoàn cảnh, tâm lý, tình cảm của nhau, từ đó cảm thông, nhượng bộ và đưa ra quyết định, giải pháp mà hai bên cùng thắng.
Vì vậy, khi xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cơ quan soạn thảo đã lựa chọn giải pháp giải quyết tranh chấp, khiếu kiện một cách nhanh chóng, hiệu quả, triệt để, tôn trọng sự lựa chọn của các bên, phát huy khả năng làm việc độc lập của Hòa giải viên với phương thức, thủ tục hòa giải, đối thoại linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính. Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại phải tuân theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
PV: Ông đã tiếp cận dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại này chưa và ông có góp ý gì về nội dung cụ thể không?
ĐB Nguyễn Văn Chiến: Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật, tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Soạn thảo cũng như cơ bản tán thành với những nội dung được đề cập trong dự thảo.
Dự thảo được xây dựng công phu, đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính; và các nội dung của dự án Luật được xây dựng trên cơ sở đánh giá thực trạng quan hệ xã hội về hòa giải, đối thoại nhằm bảo đảm việc xây dựng dự án Luật khắc phục được những hạn chế, vướng mắc, bất cập; kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về hòa giải; kết quả thí điểm hòa giải tại 16 tỉnh thành thời gian qua. Cấu trúc, bố cục dự thảo Luật hợp lý, chặt chẽ, nhiều điều luật đã được chi tiết hóa, dễ hiểu, có tính khả thi.
Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự thảo, tôi cho rằng cần phải tập trung vào một số những nội dung sau:
Thứ nhất là phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tôi cho rằng dự thảo Luật nên mở rộng phạm vi áp dụng không chỉ đối với những trường hợp đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà áp dụng cả đối với những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng các bên không lựa chọn khởi kiện mà lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Quy định theo hướng này thể hiện đúng tinh thần khi đề nghị xây dựng dự án Luật, đó là xây dựng cơ chế pháp lý mới để các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại; đồng thời không chồng chéo, mâu thuẫn với các cơ chế pháp lý hiện hành.
Nội dung nữa là kinh phí bảo đảm thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trong bối cảnh hiện tại, việc sử dụng ngân sách để đảm bảo cho hoạt động hòa giải, đối thoại cần được cân nhắc kỹ. Do vậy, quá trình nghiên cứu xây dựng hồ sơ dự án Luật này, TANDTC dự thảo quy định cụ thể hướng đến việc hạn chế, tiến tới không sử dụng ngân sách nhà nước mà tăng cường xã hội hóa, tận dụng nguồn cơ sở vật chất, nguồn nhân lực sẵn có.
Hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật này là giải pháp giúp làm giảm tải các tranh chấp, khiếu kiện mà Tòa án phải giải quyết. Xét trong tổng thể thì các chi phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động xét xử sẽ giảm do hòa giải, đối thoại giúp giảm lượng công việc đồ sộ mà Tòa án phải đảm nhiệm hàng năm (chi phí trung bình cho vụ việc hòa giải thành là nhỏ hơn nhiều so với chi phí cho việc xét xử, thi hành án).
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có quốc gia lựa chọn các bên đương sự phải nộp phí, có quốc gia lựa chọn Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí cho hoạt động này. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, người tham gia hòa giải, đối thoại cũng phải nộp một khoản phí nhất định (trừ trường hợp được miễn, giảm theo quy định của pháp luật) để chi trả cho lợi ích mà họ được hưởng từ dịch vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án và cũng để đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả. Ngoài nguồn thu từ xã hội hóa thì Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ một khoản kinh phí để đảm bảo hoạt động.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!