Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng dù mới đi được nửa chặng đường, nhưng cũng là nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa.
Cần tháo gỡ khó khăn
Theo Quyết định số 22 ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2013, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho hơn 71 nghìn hộ gia đình có công với cách mạng theo danh sách mà 53 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có báo cáo. Đến tháng 12/2014, theo báo cáo của các địa phương đã được tạm ứng kinh phí, đã có 34.107 hộ đã hoàn thành việc hỗ trợ, đạt tỷ lệ 57,7% số hộ cần hỗ trợ theo kế hoạch.
Chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công là chính sách hợp lòng dân nhưng quá trình thực hiện còn nảy sinh nhiều bất cập dẫn đến tình trạng nhiều hộ gia đình có công nhưng chưa được hỗ trợ nhà ở. Theo kiến nghị của một số địa phương, Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở đã được Chính phủ ban hành, được các địa phương rà soát và báo cáo đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, tuy nhiên đến nay kinh phí hỗ trợ từ Trung ương cho việc thực hiện chính sách này còn rất hạn hẹp so với tổng lượng kinh phí cần thiết để thực hiện chính sách cho các đối tượng thuộc danh sách đã được các địa phương rà soát. Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan sớm bố trí nguồn kinh phí để đảm bảo thực hiện kịp thời các nội dung theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.
Xây dựng nhà ở cho người có công ở huyện Vân Đồn, Quảng Ninh
Bộ LĐ, TB và XH cho biết, đến nay ngân sách trung ương đã có đủ nguồn để bố trí đủ 2.232 tỷ đồng để hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 72.153 hộ mà 53 địa phương đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2012.
Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Qua quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng còn một số khó khăn, vướng mắc như: Một số địa phương chưa tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kịp thời, đầy đủ đến cấp huyện và xã, nên việc thống kê, rà soát đối tượng, điều kiện được hỗ trợ và việc thực hiện hỗ trợ còn lúng túng, nhất là các trường hợp hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Do ngân sách chưa cấp đủ vốn theo quy định nên hầu hết địa phương đều thực hiện chậm so với yêu cầu, việc phân bổ vốn có nơi không thống nhất, nhiều trường hợp huyện có nhiều hộ được hỗ trợ thì chỉ được phân bổ vốn ít và ngược lại. Từ đó dẫn đến việc phân bổ vốn dàn trải, có nơi thực hiện phân bổ đủ vốn được hỗ trợ cho các hộ, có nơi chỉ phân bổ ½ số vốn được hỗ trợ, số còn lại các hộ gia đình phải ứng trước kinh phí...
Đề xuất kéo dài việc thực hiện chính sách
Chính sách hỗ trợ nhà ở cho gia đình có công với cách mạng trong quá trình thực hiện, đã phát sinh thêm rất nhiều đối tượng cần được hỗ trợ. Đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố lập, phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công về nhà ở với tổng số hộ người có công cần hỗ trợ là 339.270 hộ, tăng khoảng 4,7 lần so với số liệu các địa phương đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012, tăng khoảng 7.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương sau khi các địa phương rà soát lại Đề án.
Sau khi kiểm tra việc thực hiện chính sách, lắng nghe những góp ý của người dân, Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ kéo dài chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng thêm 4 năm (2015 – 2018). Kéo dài chính sách này, mỗi năm ngân sách Nhà nước phải lo khoảng 2.000 tỷ đồng.
Đối với số lượng hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở còn lại khoảng hơn 267.000 hộ, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ LĐ, TB&XH tổ chức rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ vào các năm tiếp theo, dự kiến sẽ hoàn thành việc hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng vào năm 2018.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng sẽ được thực hiện lâu dài, liên tục, với chủ trương không để một hộ gia đình người có công nào có khó khăn về nhà ở phải ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng tới khi hoàn thành.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn 960/BXD-QLN, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo hoàn thành việc hỗ trợ cho số hộ gia đình đã báo cáo Đoàn giám sát năm 2012 và báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện đến nay
Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công cho rằng: Trong thời gian tới, cần rà soát lại số lượng các hộ cần hỗ trợ, nhất thiết không để người có công ở trong những ngôi nhà không đảm bảo chất lượng. Trước mắt, trong năm 2014-2015, các địa phương hoàn thành chương trình hỗ trợ hơn 72.000 hộ, sau năm 2018 vẫn tiếp tục rà soát để hỗ trợ. Đặc biệt, sẽ ưu tiên đối với một số gia đình, vùng miền đặc biệt khó khăn, đề xuất thêm giải pháp hỗ trợ các hộ phát triển kinh tế... Đảm bảo chính sách nhà ở cho người có công được thực hiện đầy đủ, phù hợp với khả năng và cuộc sống của người có công, trong đó cân nhắc tham khảo kinh nghiệm từ chương trình nhà ở cho người nghèo (Chương trình 167).
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, các bộ ngành chức năng sẽ cân đối ngân sách hàng năm để tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho những người có công trong thời gian 4 năm tiếp theo. Nhiệm vụ của Bộ Xây dựng là tính mỗi năm có bao nhiêu căn nhà phải làm, chi phí được duyệt sẽ chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH triển khai.
Ngân sách Nhà nước có hạn, nhưng không thể không hỗ trợ nhà ở cho những có công với cách mạng đang khó khăn về nhà ở. “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các cơ quan, Nhà nước cũng phải cộng đồng trách nhiệm để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa với những người không tiếc máu xương cho đất nước, dân tộc” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu quan điểm.