Hỗ trợ “đúng - trúng - đủ” để doanh nghiệp sớm khôi phục và phát triển

Trang Nhi| 22/10/2021 11:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hỗ trợ "đúng, trúng, đủ" sẽ tạo sức bật cho doanh nghiệp trong kinh doanh, sản xuất, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo quy định của Chính phủ.

“Đúng - trúng - đủ”

Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, Chính phủ đã đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau. Đây là các chính sách khá trúng và tương đối kịp thời. Các giải pháp, chính sách này đã kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ổn định xã hội, duy trì phát triển kinh tế, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ, được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao.

anh-1..jpg
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục doanh nghiệp cần “trúng - đúng - đủ”.

Song thực tế đó đòi hỏi, cần phân loại đối tượng theo quy mô, theo ngành nghề, theo khả năng chống dịch; các gói hỗ trợ nên tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, bởi có những doanh nghiệp ngay cả khi được hỗ trợ vẫn không thể tồn tại được, vẫn rút lui khỏi thị trường, khi đó, nguồn lực của Chính phủ sẽ bị lãng phí.

Theo chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Chính phủ có thể phân chia hỗ trợ theo các nhóm doanh nghiệp khác nhau như: Thứ nhất, các doanh nghiệp trong khu vực bị phong tỏa cần được hỗ trợ ngay về thuế; thứ hai hỗ trợ các đối tượng khó khăn; thứ ba nên chia nhóm doanh nghiệp để xây dựng các gói hỗ trợ. Nhóm doanh nghiệp lớn chiếm 80% nguồn thu ngân sách cần được hỗ trợ mở cửa thị trường; nhóm siêu nhỏ - chỉ có một con đường sống, khi giãn cách xã hội, khoanh vùng cách ly thì cần có hỗ trợ ngay dựa trên đóng góp của họ. Còn nhóm những doanh nghiệp không may thì dùng quỹ kêu gọi xã hội.

Tại các quốc gia khác, để nhanh chóng đưa các gói hỗ trợ đến tay doanh nghiệp, họ đã giả định trước địa bàn của tỉnh, thành phố có bao nhiêu doanh nghiệp để có kịch bản cụ thể. Bên cạnh đó, dựa trên đóng góp của doanh nghiệp như đóng thuế bao nhiêu, số lượng công nhân để ra quyết định hỗ trợ. Nếu có trước dữ liệu về doanh nghiệp và hỗ trợ dựa trên số lượng lao động đóng bảo hiểm, thuế sẽ khuyến khích doanh nghiệp minh bạch và đóng thuế đủ.

Ngoài ra, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng khuyến nghị một số chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Cụ thể, công tác quan trọng và được đặt lên hàng đầu vẫn là ưu tiên đẩy nhanh tiến độ quy mô tiêm vắc xin về các địa phương; khai thông đi lại và lưu thông hàng hóa; thực hiện các gói tài khóa tập trung vào củng cố hạ tầng, trang thiết bị y tế, lực lượng y bác sĩ đồng thời hỗ trợ người lao động mất việc (đặc biệt trong khu vực phi chính thức)…

Tăng cường chuyển đổi số vẫn là việc nên thực hiện sớm để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng, tức đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế nhưng kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%, đi kèm với kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.

Về chính sách tiền tệ, chuyên gia của VEPR phân tích, hiện tiền gửi rất thấp, ngân hàng không huy động được vốn, tiền đổ vào bất động sản, chứng khoán rất lớn. Lạm phát tiềm ẩn, nợ xấu tăng. Như vậy, dư địa của chính sách tiền tệ rất hẹp. Khả năng hạ lãi suất tiếp gần như là không có. Và hỗ trợ của nền kinh tế nếu có chủ yếu sẽ là chính sách tài khóa.

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường nhận định: “Điều này khuyến khích DN trong một số lĩnh vực tiếp tục bỏ tiền đầu tư và phục hồi sản xuất trong các năm 2021-2022. Có thể nghiên cứu chính sách cho phép chuyển lỗ về trước, hoặc chính sách cấp bù chi phí (DN bỏ chi phí, Nhà nước sẽ hỗ trợ tăng thêm bằng giảm trừ thuế thu nhập DN phải nộp). Điều này sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, giảm căng thẳng cân đối luồng tiền, chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho DN, hộ sản xuất kinh doanh”.

Doanh nghiệp chủ động các giải pháp quản trị rủi ro tốt hơn

Một giải pháp vô cùng quan trọng khác được nhiều doanh nghiệp đề xuất là giải pháp về hỗ trợ vốn. Việc hỗ trợ này giúp duy trì dòng vốn lưu động. Một trong những biện pháp hỗ trợ mà nhiều doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị là giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, bởi lãi suất cho vay vẫn cao, thủ tục tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn.

anh-2..jpg
Bản thân các doanh nghiệp cần chủ động các giải pháp quản trị rủi ro tốt hơn.

Song, ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần có các chính sách để thích ứng với đại dịch COVID-19. Trong phối hợp với chính quyền thì doanh nghiệp cũng phải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về "5 thật" là: nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động các giải pháp quản trị rủi ro tốt hơn nhất là về chuỗi cung ứng, về nguyên liệu đầu vào do có nguy cơ tăng giá thị trường các yếu tố sản xuất.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến trách nhiệm theo pháp luật đảm bảo quyền lợi/sức khỏe của người lao động, chú trọng cả khía cạnh an sinh xã hội gia đình người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm xã hội trong các hoạt động cộng đồng như hợp tác công tư trong xây dựng các khu đô thị, khu giãn dân dành cho người lao động.

Nhìn chung để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phục hồi sau dịch, rất cần phải có một khung chiến lược phát triển hoàn toàn khác để nhận dạng được các động lực phát triển mới, từ đó định hình lại cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các chính sách về bảo trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách cho các nhóm yếu thế. Bởi đây là nhóm chịu tác động nhiều nhất và rất khó có thể gượng lại được nó có thể tạo ra các hệ lụy xã hội trong lâu dài.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ “đúng - trúng - đủ” để doanh nghiệp sớm khôi phục và phát triển