Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi vừa thực hiện chống dịch, vừa cố gắng duy trì sản xuất. Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục xây dựng các giải pháp phù hợp để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là liên quan tới các giải pháp gỡ khó trong lưu thông hàng hóa và tìm phương thức tổ chức sản xuất phù hợp khi phương án "3 tại chỗ" đã bộc lộ một số bất cập.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, nhiều địa phương áp dụng các quy định khác nhau gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa và sản xuất công nghiệp, nguyên liệu phục vụ sản xuất bị ách tắc. Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều văn bản về việc tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa thiết yếu.
Ngày 27-7-2021, Bộ Công Thương đã có văn bản hoả tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ chỉ đạo về việc tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa. Chính phủ đã hành động rất quyết liệt, ngày 29-7-2021, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có văn bản chỉ đạo trên cơ sở đồng ý với ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương. Với những chỉ đạo quyết liệt trên, việc lưu thông hàng hoá đã thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng tài xế gặp khó khăn khi lưu thông qua một số chốt kiểm dịch tại một số địa phương. Bộ Công Thương mong muốn và đề nghị các địa phương, bên cạnh việc tập trung kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương mình, cũng cần chung tay thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra. Đó là "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế" bằng việc tạo điều kiện cho hàng hóa, nguyên liệu sản xuất lưu thông thuận lợi, nhanh chóng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, vẫn là phương án tốt. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận dù phương án này đã được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng khi triển khai tại các địa bàn khác, nhất là ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh đã bộc lộ bất cập. Nguyên nhân là có sự khác biệt ở hai khu vực; các khu công nghiệp phía Bắc ít người hơn trong khi ở phía Nam có những khu có tới hàng chục nghìn công nhân.
Đặc biệt, ở miền Nam, người lao động đến từ rất nhiều tỉnh, thành phố khác nhau chứ không như ở miền Bắc. Nếu để người lao động ở tại một chỗ quá lâu cũng ảnh hưởng đến tâm lý, từ đó dẫn đến giảm năng suất lao động cùng các vấn đề khác về an sinh xã hội... Ngoài ra, chi phí để thực hiện phương án “3 tại chỗ” quá cao, nhiều DN không thể tiếp tục duy trì được.
DN cũng lo ngại khi một số quy định của các địa phương còn khác nhau khi phát sinh trường hợp mắc Covid-19 trong khu công nghiệp. Có địa phương yêu cầu DN đóng cửa ngay cơ sở sản xuất đó trong khi DN đã rất tốn kém để chuẩn bị phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Do vậy, có một số DN đã chủ động không làm nữa. Đó là thực tế hiện nay, cần phải tìm cách tháo gỡ.
Ngày 6-8-2021, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Bộ Y tế đề xuất một số biện pháp có thể phù hợp hơn so với phương án sản xuất “3 tại chỗ” hiện nay, thích nghi hơn trong điều kiện mới, vì chúng ta còn phải làm lâu dài chứ không phải chỉ trong một thời gian ngắn. Cụ thể: Đề nghị Bộ Y tế bổ sung các quy định về hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly, vừa sản xuất, kinh doanh tại DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ngoài các quy định về hình thức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, bổ sung các hình thức khác cho DN được lựa chọn. Bổ sung quy định về quy trình, thời hạn các cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với DN trong việc tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc để DN sớm ổn định lại sản xuất và bảo đảm an toàn cho những người lao động khác trong DN yên tâm tập trung làm việc.
Về các giải pháp liên quan đến tiêm vaccine, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Y tế nâng cao mức ưu tiên đối với người lao động đang làm việc tại các DN. Trong nhóm DN, ưu tiên tiêm vaccine cho các DN thuộc các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm thiết yếu gồm điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...
Sản xuất là tốt và phải làm. Đó là mục tiêu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Nhưng trước hết là phải chống dịch. Vì thế, Bộ Y tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa ra các quy định phù hợp để có thể vừa chống dịch, vừa tiếp tục sản xuất. Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các giải pháp phù hợp để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn.