Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, trong bối cảnh hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
4 đề xuất mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra
Một là, quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", các cấp, các ngành, địa phương phải tập trung vào cuộc với nỗ lực cao nhất, ưu tiên mọi nguồn lực để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển.
Hai: Tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” tập trung triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách cho doanh nghiệp, nhanh chóng ổn định duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nếu chậm trễ ngày nào, thiệt hại sẽ ngày càng lớn hơn và chúng ta sẽ phải tốn nhiều thời gian và chi phí hơn để khắc phục hậu quả và để hồi phục sản xuất kinh doanh.
Ba là, trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thích nghi với hoàn cảnh: vừa duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, cố gắng tận dụng triệt để hoàn thành các đơn hàng/hợp đồng đã ký kết để tránh đứt gãy chuối cung ứng, vừa bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phục hồi và phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Bốn: Chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực cần thiết triển khai các biện pháp hỗ trợ dài hạn, bền vững giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh và có cơ hội quay trở lại mạnh mẽ hơn.
08 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn
Với quan điểm nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện 08 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.
Đối với nhóm các chính sách:
Giải pháp cấp thiết cần triển khai ngay, xin đề xuất 04 nhóm giải pháp chủ yếu. Một là, thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Hai là, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn.Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. Thứ tư, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.
Đối với nhóm chính sách dài hạn:
Tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 04 nhóm giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế; cần có chính sách để phát triển các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt; phát triển công nghiệp ngành y tế như đã nêu ở trên; phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp ưu tiên; giải pháp dài hạn và bền vững về đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chế tạo; phát triển chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm nhằm tạo giá trị gia tăng cao.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đơn giản hóa tối đa các quy trình, thủ tục hành chính hiện tại, xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên.
Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số; các nền tảng thương mại điện tử; các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận…; nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất việc củng cố, phát triển một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn hoạt động hiệu quả, có vai trò dẫn dắt trong giai đoạn tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về phía cộng đồng doanh nghiệp, cần tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về phía các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng; tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên, hợp tác cùng phát triển. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.