Trước tình hình một số doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát vốn, tài sản của nhà nước trong hoạt động kinh doanh vừa qua thì việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là vấn đề mà Chính phủ đặt ra.
Với tỷ lệ 97% DNNVV đang hoạt động hiện nay, việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV để loại hình doanh nghiệp này phát triển, cần được nhìn nhận khách quan vì sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Động lực tăng trưởng nền kinh tế
Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV được đưa ra thảo luận tại phiên họp UBTVQH mới đây, song vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2016 có 590.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên tổng số 959.000 DN đăng ký kinh doanh. So với năm 2015 có thêm 95.000 DN tham gia thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2016 có 101.961 DN thành lập mới, là con số cao nhất từ trước tới nay, vốn bổ sung thêm tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, tỷ lệ DNNVV hiện chiếm 97% DN đang hoạt động hiện nay, song việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp loại hình DN này phát triển còn chậm. Nội dung nhiều chương trình trợ giúp DNNVV mang tính chất phát triển ngành, còn dàn trải, chưa tập trung hoặc chưa gắn kết với nhau làm cho các DN chưa tiếp cận hay nhận được sự hỗ trợ một cách thuận lợi; cơ chế điều phối hoạt động hỗ trợ DNNVV giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương chưa hiệu quả. Việc báo cáo, công khai minh bạch thông tin, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ; chưa có cơ chế thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với việc xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV, trong khi nguồn ngân sách Trung ương hạn chế.
Trong khi đó một số chính sách hỗ trợ đã được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV nhưng chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể. Vì vậy cần thiết phải xây dựng dự án Luật này.
Phân tích thêm về tầm quan trọng của loại hình doanh nghiệp này, ông Dũng cho hay, ở nhiều quốc gia, DNNVV đều chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97-99%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, “xương sống” của nền kinh tế. Các nước đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên minh châu Âu… và các nước đang phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… đều coi trọng vai trò của khu vực DNNVV. Do đó, công tác hỗ trợ DNNVV được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều quốc gia đã sớm ban hành các đạo luật cơ bản về hỗ trợ DNNVV từ nhiều năm trước, nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này phát triển, đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng cao trong nền kinh tế. Thậm chí ở một số quốc gia, hỗ trợ DNNVV được quy định trong Hiến pháp như Hàn Quốc, Đài Loan, ông Dũng dẫn chứng.
Về đối tượng áp dụng của dự án Luật Hỗ trợ DNNVV, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng áp dụng của Luật là quá rộng (khoảng 97,9% là DNNVV) và do nguồn lực Nhà nước có hạn, không thể hỗ trợ tất cả, nên Luật cần quy định hỗ trợ nhóm có tiềm năng phát triển. Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng của dự thảo Luật bao gồm cả hộ kinh doanh cá thể vì theo thống kê, số lượng hộ kinh doanh hiện nay là khá lớn, ước tính khoảng 3,4 triệu hộ đã được cấp mã số thuế, có đóng góp lớn cho nền kinh tế; định nghĩa về DNNVV của Mỹ, EU đều quy định hộ kinh doanh cá thể là doanh nghiệp và được hưởng ưu đãi từ pháp luật hỗ trợ DNNVV...
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp UBTVQH
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, ngoài những hỗ trợ cơ bản cho tất cả các DNNVV, với Chương trình hỗ trợ trọng tâm thì cần rà soát kỹ đối tượng áp dụng, không hỗ trợ chung chung mà cần tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Đóng góp lớn của DNNVV
Theo dự kiến dự án Luật này trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, tuy nhiên khi thẩm tra Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ gửi hồ sơ trình dự án Luật chậm 15 ngày so với quy định. Thời gian trình quá gấp, một số nội dung trong Báo cáo thuyết minh, báo cáo đánh giá tác động không tương thích, nhất quán với nội dung của dự thảo Luật; có nhiều nội dung mâu thuẫn với các Luật khác như Luật Ngân sách, Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, dự án Luật còn nhiều bất cập, có ý kiến trái chiều ngay giữa các Bộ, ngành. Cụ thể, Bộ Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng thẩm định dự án luật nhận thấy, hầu hết các vướng mắc, bất cập trong công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nằm ở khâu triển khai thực hiện, không phải do cơ chế hay do chưa có Luật Hỗ trợ DNNVV. Trong khi đó, Bộ Tài chính đã bác bỏ các điều khoản của Luật quy định về thuế và đề nghị rà soát lại để dự thảo luật không có quy định ưu đãi về thuế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ DNNVV thông qua việc sử dụng chính sách tiền tệ… Đáng lưu ý, dự án luật ước tính, việc hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho DNNVV là 13.000 tỷ đồng, theo Bộ Tài chính, ngân sách phải bỏ ra thông qua các việc giảm thuế, bù lãi suất là xấp xỉ 20.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, Ban soạn thảo đã chậm trễ trong việc trình dự thảo Luật này, song đó là do yếu tố khách quan. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã thành lập Ban soạn thảo, mời các Bộ, ngành liên quan tham gia nhưng các Bộ đều cử không đúng người tham dự, nay cử người này, mai cử người khác. Khi tham dự các cuộc họp góp ý thì hầu hết người đại diện các Bộ chỉ mang tính soi xem có ảnh hưởng gì tới Bộ mình, liên quan đến mình hay không... Đây là vấn đề lớn của đất nước, nhu cầu bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp và việc cần thiết phải xây dựng chính sách để khu vực doanh nghiệp này phát triển sẽ là động lực cho sự phát triển đất nước. Cho nên, dù Ban soạn thảo đã rất công phu soạn thảo bản dự thảo nhưng không ai cho ý kiến đóng góp, đã đẩy lên Thủ tướng, Chính phủ, Phó Thủ tướng đã phải họp rất nhiều cuộc để ra được bản dự thảo cuối cùng trình lên UBTVQH, ông Dũng nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã nhận định, cần thiết phải tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển DNNVV, tạo thêm công ăn việc làm, tạo thêm tổng giá trị sản phẩm xã hội, kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, được cả về kinh tế và về xã hội. Tuy nhiên, những quy định của Luật này cần phải tương thích với các Luật khác, cũng như những tác động đối với nền kinh tế, tài chính, ngân sách của chúng ta hiện nay.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu phải hỗ trợ bằng nguồn lực, làm giảm đi nguồn thu ngân sách là cách tiếp cận cũng đúng phần nào, nhưng tổng quan chung cần nhìn rộng hơn. Không phải các DN khi phát triển sẽ có đóng góp về thuế, mà còn việc làm, đóng góp về ổn định xã hội, chính trị, tăng trưởng kinh tế, ông Dũng cho biết.
Ông Đỗ Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV cho rằng, hiện chính sách hỗ trợ cho DNNVV có rất nhiều nhưng thực tế họ không thụ hưởng được. DNNVV không nhìn thấy mình trong các chính sách đó, nên khó tổ chức thực thi pháp luật. Qua khảo sát trên 50.0000 DNNVV trong thời gian 60 ngày cho thấy tuyệt đại bộ phận DN nhất trí, ủng hộ Dự án Luật, đặc biệt là các nội dung: hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh phi chính thức sang chính thức; hỗ trợ đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, hỗ trợ liên kết ngành...