Người đàn ông quyền lực nhất nước Nga, với đôi mắt “hiện” lên ba chữ: K - G - B, luôn ẩn chứa sức hấp dẫn đặc biệt và là đề tài siêu hấp dẫn giới truyền thông. Hồ sơ Panama không phải là ngoại lệ!
“Panama” đã trở thành từ khóa “hot” nhất trong những ngày qua. Không phải vì có sự kiện nào đó vô cùng kỳ lạ xảy ra trên con kênh đào nổi tiếng cùng tên cắt ngang eo đất Panama tại Trung Mỹ, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương.
Panama” - đó là “những tờ giấy”, hiểu theo nghĩa đen, nguyên gốc, và đơn giản nhất của cụm từ Panama Papers. Nhưng Panama Papers không phải “những tờ giấy” đơn thuần, lực tác động của chúng tạo ra không thể tính toán theo công thức của định luật Newton.
11,5 triệu tài liệu Panama Papers - Hồ sơ Panama hay 2,6 TB dữ liệu được lấy từ Mossack Fonseca - hãng luật lớn thứ tư thế giới có trụ sở tại Panama, mà một nguồn tin giấu tên cung cấp cho tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung hơn một năm trước, hàm chứa lượng thông tin “khủng” gây rúng động toàn thế giới. “Công ty ma”, công ty “bình phong”, rửa tiền, trốn thuế… là những cụm từ làm “thất điên bát đảo” chính trường quốc tế.
Cơn bão Mossack Fonseca - Panama đang "càn quét" chính trường quốc tế
“Anti-Putin” bằng Hồ sơ Panama?
Có vẻ như người đàn ông quyền lực nhất nước Nga, với đôi mắt “hiện” lên ba chữ: K - G - B như lời Thượng nghị sĩ John McCain, ẩn chứa sức hấp dẫn đặc biệt và luôn là đề tài siêu hấp dẫn giới truyền thông.
Trong Hồ sơ Panama không hề có tên Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thế nhưng cái tên của ông chủ Điện Kremlin vẫn xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng phương Tây, với vai trò là “bạn thân” của nghệ sĩ cello Sergey Roldugin, người sở hữu tài khoản 2 tỷ USD trong vụ Panama.
Sở dĩ khoản 2 tỷ USD trong “quỹ đen” của bạn thân Tổng thống Nga trở thành nguồn tin sốt dẻo của báo chí, bởi dù là cái gai trong mắt phương Tây thì uy tín và tầm ảnh hưởng của người đàn ông thép xứ Bạch Dương trên trường quốc tế là không thể phủ nhận.
Sự xuất hiện của các nhân vật tầm cỡ thế giới tại Hồ sơ Panama, trong đó Tổng thống Putin có vai trò “bạn thân” của nghệ sĩ cello Sergey Roldugin, người sở hữu tài khoản 2 tỷ USD trong vụ này.
Cuộc thăm dò dư luận hồi đầu tháng 3 vừa qua cũng đã ghi nhận tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin ở mức cao kỷ lục: 83%. Bên cạnh đó, việc nước Nga vẫn đứng vững dù trải qua khủng hoảng tài chính, bị Liên minh châu Âu (EU) áp đặt trừng phạt, cùng một loạt biến cố khác, thì “nguồn tài chính dồi dào tiềm ẩn” vẫn là câu hỏi mà giới phân tích chưa thể đưa ra đáp án chính xác bằng những con số cụ thể
Còn nhớ trước đó báo chí phương Tây cũng từng loan tin, ông Putin có 40 tỷ USD nhờ sở hữu cổ phần của 3 công ty dầu khí lớn. Ngoài ra, William Powder, Tổng giám đốc của Quỹ đầu tư Hermitage Capital Management từng cáo buộc trên CNN vào tháng 2/2015 rằng Tổng thống Nga có tài sản lên tới… 200 tỷ USD.
Trong khi đó tại Nga, thu nhập của Tổng thống Putin luôn được công khai. Theo tài liệu của Điện Kremlin công bố năm 2015, ông sở hữu một căn hộ 77 m2, một lô đất và 4 chiếc xe, cộng với thu nhập hàng năm khoảng 150.000 USD (năm 2014).
Theo RIA Novosti, phát ngôn viên Điện Kremlin ngày 4/4 đã lên tiếng chỉ trích Hồ sơ Panama. Ông Dmitry Peskov gọi đó là một “đòn tấn công” nhằm vào chính Tổng thống Putin, giống như một chiến dịch bôi nhọ khổng lồ để làm mất uy tín của nhà lãnh đạo nước Nga trước thềm bầu cử quốc hội vào cuối năm nay. Đồng thời, ông bày tỏ mối quan ngại, “Hội chứng ghét Putin” ở nước ngoài đã lên tới đỉnh điểm một cách vô lý”. Nhà báo đồng thời là chuyên gia tài chính người Đức E. Wolff cũng cho rằng, đây là cú đánh nhằm “hạ uy tín” nhà lãnh đạo Nga bằng cách lôi kéo ông vào vụ bê bối với loạt nhân vật xung quanh.
Thế nhưng, có lẽ hội “anti-Putin” đã phải thất vọng. Truyền thông phương Tây không hề có một thông tin nào về biến động tại nước Nga do Panama gây ra!
Hồ sơ Panama là cú đánh nhằm hạ bệ uy tín Tổng thống Putin của những người thuộc Hội Anti-Putin?
Dùng Hồ sơ Panama phá vỡ “ốc đảo trốn thuế”?
Hồ sơ Panama “phanh phui bí mật” của một loạt nhân vật tầm cỡ “có máu mặt”, song điều “kỳ lạ” là cho đến lúc này, có vẻ như, không hề có một chính trị gia hay những người có ảnh hưởng ở Mỹ có liên hệ với Massack Fonseca. Tất nhiên, như chuyên gia kinh tế và cố vấn cấp cao của mạng Tư pháp thuế Mỹ James Henry, “người Mỹ không cần đi đến Panama”, bởi Mỹ “cũng có một ngành công nghiệp tạo ra các công ty vỏ bọc để ẩn trốn một cách bí mật”, tờ New York Times cho biết.
Một điểm đáng chú ý, theo ông Peskov, trong số các nhà báo điều tra tham gia vụ Panama còn có cả “các cựu nhân viên của Bộ Ngoại giao, Cục Tình báo Trung ương và nhiều cơ quan tình báo đặc biệt khác của Mỹ”. Và, như nhận định của ông E. Wolff, “hoạt động này hoàn toàn phù hợp với chính sách của Mỹ”, đằng sau nó là “tình báo Mỹ”?!
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, nếu đích thực tình báo Mỹ đứng sau vụ Panama, vậy thì mục tiêu chính là gì ở đây?
Chuyên gia tài chính người Đức lý giải, các công ty bình phong ở nước ngoài có vai trò vô cùng to lớn đối với các tập đoàn tài chính. Panama cung cấp rất nhiều dịch vụ tài chính tốt dành cho người nước ngoài, đặc biệt là những người muốn tránh đóng thuế cũng như tránh các quy định tài chính nghiêm ngặt từ đất nước họ.
Tòa nhà trụ sở của Mossack Fonseca tại Panama
Nevada được mệnh danh là "thiên đường trốn thuế" của Mỹ. Ảnh: Reuters
Điểm đặc biệt quan trọng, theo nhận định của Jolyon Maugham, một luật sư chuyên về thuế, Panama “đáng chú ý bởi giữ tiền cực kỳ bí mật”! Luật bảo mật tiền gửi ngân hàng vô cùng nghiêm ngặt, không kiểm soát ngoại hối, không có hiệp định thuế với các nước khác… là những điểm cộng sáng giá để Panama thu hút các cá nhân và tổ chức nước ngoài tới… giấu tiền. “Không nơi nào trốn thuế tốt hơn Panama”, Jolyon Maugham đánh giá.
Trong khi đó, với quy tắc bí mật ngân hàng vô hạn định, những bang như Nevada, South Dakota, Wyoming và Delaware của Mỹ chính là “ốc đảo trốn thuế” tuyệt đối. Và với ước tính công ty bình phong lưu giữ khoảng 30-40 nghìn tỷ USD, việc Mỹ muốn nắn “dòng chảy” để nguồn tiền khổng lồ đến với Nevada, South Dakota… là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Lịch sử từng ghi nhận nỗ lực phá hoại nguyên tắc bí mật thuế của Thụy Sỹ mà tình báo Mỹ đã làm. Và mới đây, khi Mossack Fonseca gửi đơn khiếu nại lên các công tố viên Panama cáo buộc tin tặc nước ngoài đã tấn công và đánh cắp tài liệu, thì việc nghi ngờ “bàn tay” tình báo Mỹ, đặc biệt là CIA, đứng sau vụ Hồ sơ Panama càng trở nên có cơ sở!?