Nhiều hố công trình nham nhở cũ và mới được bỏ lại tại thôn Ngọ Thượng, xã Thăng Bình (Nông Cống, Thanh Hóa) tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao cho người dân, gia súc khi đi qua đây. Đã có vụ đuối nước thương tâm xảy ra nhưng chính quyền địa phương không hề có rào chắn, biển báo nào.
Theo quan sát của phóng viên, khu vực khai trường nằm ngay gần đường giao thông liên xã Thăng Bình, Công Liêm (Nông Cống). Chỉ vài bước chân là có thể tới các hố công trình bị đơn vị thi công bỏ lại. Một số vị trí vách đất cao rất dễ sạt lở, người và gia súc có thể trượt chân rơi xuống bất kỳ lúc nào.
Anh Lê Đình H. sống gần khu vực khai trường cho hay: “Khu vực này đất đá lẫn lộn nên phải lựa từng vị trí mới đào được. Đơn vị thi công làm xong nhưng rất tắc trách, bỏ lại các hố đào nham nhở, nên khi trời mưa xuống nước đọng lại thành hồ sâu. Các vách đất cao khi ngã xuống dễ bị chấn thương. Khu vực này vắng người nên trẻ con hay ra đây tắm. Tại đây đã xảy ra mấy vụ đuối nước. Mai mốt nghỉ hè, các cháu còn ra đây tắm nhiều hơn”.
Điều ngạc nhiên là, ngay tại gần khu vực khai trường bỏ lại nhiều năm lại có thêm các điểm bào bới, san gạt, vận chuyển đất đá. Một phần quả đồi đã bị đào nham nhở, cây cối bị chặt hạ không thương tiếc.
Theo người dân, cứ vào ban đêm, một số đối tượng sử dụng máy múc, ô tô khai thác đất, đá chở ra ngoài đi san lấp. Tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng không bị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Thăng Bình Vũ Hữu Thiện, cho hay: “Thời điểm năm 2016, khu vực thôn Ngọ Thượng được cơ quan chức năng cấp mỏ để lấy đất đắp các công trình trên địa bàn. Sau đó đơn vị thi công rời đi mà không trả lại mặt bằng để lại các hố sâu, vách đất cao như phản ánh là đúng. Họ bảo sau này làm giai đoạn 2 sẽ tiếp tục vào lấy đất phục vụ thi công. Nhưng từ đó tới nay không thấy quay trở lại.
Tại khu vực này đã xảy ra nhiều vụ đuối nước, trong đó có 1 em học sinh xuống đập công trình tắm trên đường đi học về dẫn tới tử vong. Gần đây nhất, một người dân khi đi qua hố công trình bị ngã xuống bị đuối nước. Do vị trí trên là khu vực khai trường của đơn vị thi công, nên chính quyền địa phương không quản lý, không có rào chắn, biển báo.
Còn tình trạng khai thác đất đá ngay gần khu vực khai trường này chúng tôi chưa nắm được. Ngay sau đây, tôi sẽ chỉ đạo cơ quan công an và cán bộ địa chính xuống kiểm tra, lập biên bản khi phát hiện có sự tác động làm thay đổi hiện trạng khu vực đồi.”
Còn ông Lê Hùng Sơn, Phó phòng Tài nguyên môi trường huyện Nông Cống, cho biết: “Về khu vực khai trường, chính quyền địa phương bảo không quản lý là thiếu trách nhiệm. Vì bất kỳ đơn vị nào về làm việc đều phải giao cho xã kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Ở đây đã có hậu quả là những vụ đuối nước thì xã Thăng Bình phải làm báo cáo cụ thể để cấp trên xem xét, chỉ đạo đơn vị có liên quan hoàn trả mặt bằng theo đúng quy định, đảm bảo sự an toàn cho người dân và gia súc. Đấy là chưa kể tại khu vực này, như các anh phản ánh đang có tình trạng khai thác đất, đá trái quy định.
Chúng tôi sẽ yêu cầu xã Thăng Bình báo cáo cụ thể sự việc. Sau đó sẽ báo cáo lãnh đạo huyện thành lập đoàn kiểm tra để xác minh cụ thể thông tin báo chí đã cung cấp, phản ánh”...