Mỗi năm nước ta vẫn có khoảng hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, khoảng 3.000 – 4.000 người tử vong mỗi năm.
Đó là thông tin được đưa ra tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2018 với chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!” do Bộ Y tế phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức sáng 1/12.
Tại buổi mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thế giới đã có hơn 36,9 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống và 35,4 triệu người tử vong do AIDS. Mỗi năm thế giới có khoảng 2 triệu người nhiễm HIV mới.
Tại Việt Nam hiện có hơn 208.392 người nhiễm HIV còn sống, 3.000 - 4.000 người tử vong/năm. Mỗi năm cả nước có 8.000 người nhiễm mới. Hiện tại, có khoảng 50.000 người nhiễm HIV chưa được phát hiện đang sống trong cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc
Cũng theo bà Tiến, Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Nhiều mô hình hiệu quả của thế giới được ứng dụng tại Việt Nam.
Sắp tới, ngày 1/1/2019, Việt Nam sẽ là một số ít quốc gia trên thế giới áp dụng chi trả điều trị HIV/AIDS thông qua quỹ bảo hiểm y tế.
Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS. Hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đã phát động trên toàn cầu, đó là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Theo Bộ trưởng Y tế, năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp dịch HIV/AIDS tại Việt Nam được khống chế, giảm cả 3 tiêu chí: số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số tử vong do AIDS.
Hơn 131.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV; hơn 54.000 người đang được điều trị bằng Methadone; mỗi năm xét nghiệm HIV cho khoảng 2 triệu người; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm mỗi năm. Những con số ấn tượng này là những kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy vậy, sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục ngày càng chiếm chủ yếu dẫn đến việc kiểm soát dịch bệnh ngày càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, lây nhiễm HIV trong nhóm nghiệm ma túy đang có xu hướng gia tăng trở lại; lây truyền HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong nhóm tuổi trẻ.
Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống HIV/AIDS cũng là một thách thức; độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS còn hạn chế; tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV vẫn còn phổ biến. Điều này cảnh báo dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại nếu chủ quan hay thờ ơ, không quan tâm hay tiếp tục đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể trung ương và UBND các tỉnh, TP, các tổ chức xã hội, ngành y tế và mỗi người dân cần phải hành động và hành động mạnh mẽ hơn nữa. Hành động để mọi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận các dịch vụ dự phòng không bị lây nhiễm HIV; Hành động để người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV.
Hành động để tất cả người chẩn đoán nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV sớm và tuân thủ điều trị để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả. Hành động để mọi người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế để có thể điều trị HIV/AIDS lâu dài và bền vững.