Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết

Lan Trần| 09/03/2018 07:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Rạng sáng nay (9/3) theo giờ Việt Nam, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết tại Santiago de Chile.

CPTPP là một hiệp định thương mại tự do bao gồm 11 nước là Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.

Theo đó, các nước thành viên sẽ có lộ trình kéo giảm thuế suất nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa và dịch vụ trong khối khi hiệp định chính thức đi vào hiệu lực dự kiến sớm nhất vào cuối năm nay.

Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũ bao gồm 12 nước thành viên trong đó có Mỹ. Nước này đã tuyên bố rút khỏi hiệp định vào đầu năm ngoái. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào Hiệp định này vào đầu năm 2017, quy mô của hiệp định giảm xuống. Tuy nhiên, 11 thành viên còn lại vẫn nỗ lực đàm phán và tiến tới ký kết CPTPP.

Trong quá trình đàm phán CPTPP, Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, đặc biệt là tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 được tổ chức ở Đà Nẵng hồi tháng 11 năm ngoái, cũng như tại các cuộc họp để đi tới hoàn tất việc ký kết.

Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.

Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.

VTV dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký: Tôi đồng ý với Bộ trưởng của Chile rằng việc ký kết CPTPP là một thông điệp mạnh mẽ về thương mại tự do vì lợi ích của người dân các nước chúng ta, nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Về phía Việt Nam, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, và có thể trong phiên họp quốc hội cuối năm nay, chính phủ Việt Nam sẽ trình hiệp định để quốc hội xem xét và thông qua.

Trả lời trên báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đánh giá nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững và những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế. Đó mới là những yếu tố quyết định.

Bộ trưởng cũng cho biết bên cạnh những cơ hội, khi thực hiện CPTPP cũng sẽ có những thách thức đặt ra không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả người dân. Do đó, nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động, tác động tiêu cực sẽ bị hạn chế. Nhưng nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết