Hiến kế giải quyết câu chuyện giá xăng giảm, nhiều mặt hàng vẫn 'đứng im'

Trang Nhi| 05/08/2022 16:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chuyên gia đều đồng ý cần thiết có giải pháp quản lý hiệu quả hơn nhằm giải quyết được việc "té nước theo mưa", hay "lên nhanh, xuống chậm" trong câu chuyện "xăng giảm nhưng các mặt hàng vẫn đứng im".

Mức giá xăng, dầu sau 4 lần giảm liên tiếp hiện đã tương đương với mức giá thời điểm tháng 1/2022. Tuy nhiên, đến hiện tại, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn tiếp tục neo ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch 2 năm vừa qua.

xang-giam-cac-mat-hang-dung-im-2.jpg
Câu chuyện giá xăng giảm, nhiều mặt hàng vẫn 'đứng im' đang nhận được sự quan tâm của người dân.

Giải thích cho vấn đề trên, tại Tọa đàm "Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm - Thực trạng và giải pháp", bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lý giải, sở dĩ có tình trạng này là do một số nhóm hàng hoá, dịch vụ chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu, khi xăng dầu điều chỉnh giá giảm thì các nhóm hàng cần thời gian, độ trễ nhất định để đơn vị sản xuất kinh doanh rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cũng lấy ví dụ: "Như với xe taxi, khi giá nguyên liệu biến động, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện kê khai giá với Sở GTVT địa phương. Sau đó, phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, phải in lại tờ niêm yết giá… Tất cả những công đoạn đó sẽ cần một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, còn có yếu tố tâm lý khách hàng và đối thủ cạnh tranh".

Tuy đồng quan điểm với hai chuyên gia trên nhưng chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực vẫn nhấn mạnh "không thể trễ tới hàng tháng, thậm chí là nhiều tháng được".

toa-dam-xang-giam.jpg
Các diễn giả tại Toạ đàm: "Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp”

Trước tình hình trên, Phó Cục trưởng Quản lý giá Đinh Thị Nương đã đưa ra các giải pháp để giải quyết câu chuyện này. Theo bà Đinh Thị Nương, Bộ Tài chính bám sát Công điện số 679 và các văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các văn bản của văn phòng Chính phủ trong 7 tháng vừa qua. Bộ đẩy mạnh công tác tổng hợp phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết và kịp thời cho những tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng về các biện pháp điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% đề ra.

Bên cạnh đó, Bộ phối hợp chặt chẽ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ đang trình Chính phủ các phương án điều chỉnh các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… 

Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Vụ trưởng Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết thời gian qua Bộ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng. Bộ rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý giá để phối hợp với Bộ Tài chính ban hành những văn bản phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông cũng rà soát các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện nào không còn cần thiết, phù hợp thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Còn theo Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, bên cạnh những giải pháp kiểm tra, kiểm soát hay các chế tài xử phạt, cho rằng cần cải tiến các thủ tục kê khai giá, dán tem nhanh hơn để vừa đáp ứng nhu cầu chung cho xã hội và cũng để thuận tiện cho doanh nghiệp kinh doanh.

"Tất cả các hoạt động phải đồng bộ, như trong chuỗi cung ứng hàng hoá, trong đó có cả xăng dầu. Chúng ta phải tiết kiệm chi phí, luôn luôn đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện mục tiêu chung của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Và, cuối cùng, tôi cho rằng, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành cũng như sự tuyên truyền của các cơ quan báo chí, làm thế nào dần dần chúng ta xây dựng nếp tự giác hơn trong vấn đề lên-xuống giá. Chúng ta cần lưu ý hơn những vấn đề trên, coi như một trận đánh để rút kinh nghiệm cho những lần sau", ông Phú nói.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực bổ sung, cần tập trung vào ba mặt hàng quan trọng là vận tải, lương thực thực phẩm và nhà ở vì ba nhóm này chiếm đến 80% trong câu chuyện CPI tăng.

Mặt khác, chúng ta cần tăng cường thêm ý thức cả doanh nghiệp và người dân trong câu chuyện giá cả. Về lâu dài, ngoài truyền thông để người dân biết và hiểu, còn phải tạo văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.

"Hy vọng thời gian tới, giá cả xăng dầu thế giới, lương thực thực phẩm đi theo chiều hướng dịu hơn và chúng ta cũng không nên lo lắng thái quá với lạm phát mà không dám làm gì", ông Cấn Văn Lực chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiến kế giải quyết câu chuyện giá xăng giảm, nhiều mặt hàng vẫn 'đứng im'