Hệ thống Schengen có bị “khai tử” trước “đòn tấn công” của IS?

Ý Thơ| 26/01/2016 16:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tương lai Hệ thống Schengen sẽ ra sao khi bị chính những kẻ cực đoan “lợi dụng” trà trộn vào dòng người tị nạn sang châu Âu nhằm tiến hành các vụ tấn công khủng bố?

Ngày 20/1, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 chính thức khai mạc tại Davos-Klosters (Thụy Sỹ). Bế mạc hôm 23/1, chỉ trong 4 ngày, 280 phiên họp hội nghị đã diễn ra có thể phần nào cho thấy bức tranh làm việc vô cùng khẩn trương và căng thẳng của 40 nguyên thủ quốc gia và hơn 2.500 đại biểu đến từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng các tổ chức quốc tế.

Và cũng như Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu COP21 tại Paris (Pháp) hồi tháng 11/2015, WEF46 đã diễn ra tình hình an ninh được thắt chặt. Điều này không có gì khó hiểu, khi mà bối cảnh địa chính trị mới với các cuộc khủng bố diễn ra hầu như hàng ngày, và cuộc khủng hoảng di cư đã trở thành những vấn đề cấp bách thế giới. Đây cũng là hai trong số những “điểm nóng” được đặt lên bàn nghị sự của WEF46.

Hệ thống Schengen có bị “khai tử” trước “đòn tấn công” của IS?

WEF lần thứ 46 diễn ra trong bối cảnh an ninh được thắt chặt

Tháng 9/2015, trong khi thế giới sôi sục vì những vấn đề chính trị như xung đột Ukraine, nội chiến Syria, hay sự lớn mạnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)…, thì một cuộc di cư ồ ạt tới các nước châu Âu đã gây nên một cơn khủng hoảng không chỉ cho châu lục này mà trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Đây được coi là cuộc di cư lớn trong lịch sử thế giới từ sau Thế chiến II. Đức - quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, phúc lợi tốt nhất châu Âu, cùng một xã hội kỷ cương và trật tự, đã trở thành vùng “đất hứa” cho những người tị nạn mang trong mình “giấc mơ châu Âu”.

Nguyên nhân dẫn đến làn sóng di cư “khủng” lần này chính là xung đột, chiến tranh, loạn lạc, bần cùng hóa tại “chảo lửa” Trung Đông và châu Phi. Theo thống kê, trong năm 2015 có hơn 1 triệu người di cư tới châu Âu, và chỉ nửa đầu tháng 1/2016, số người di cư đến châu Âu bằng đường biển gấp 10 lần so với tháng 1/2015. Dòng người chạy trốn chiến tranh và đói nghèo ồ ạt kéo tới châu Âu bất chấp nguy hiểm đến tính mạng đã trở thành vấn nạn nhức nhối đối với “Lục địa già”. Và hẳn không ai có thể quên được hình ảnh vô cùng đau lòng: thi thể của cậu bé người Syria chết đuối trôi dạt vào bãi biển gần khu nghỉ dưỡng Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9 năm ngoái.

Hệ thống Schengen có bị “khai tử” trước “đòn tấn công” của IS?

Thi thể của cậu bé tị nạn người Syria chết đuối trôi dạt vào bãi biển gần khu nghỉ dưỡng Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9/2015 gây chấn động cộng đồng quốc tế.

Thế nhưng, có một điều đáng quan ngại đó là, có vẻ như để có thể “với tay” chạm vào giấc mơ châu Âu, con đường quang minh chính đại lại không hề bằng phẳng đối với những người tị nạn. Nếu anh đến từ Iraq, Sudan, Libya, Ai Cập, Jordan, Algeria, hay Libăng…, thì tấm hộ chiếu Syria có giá trị nhất vì sẽ được xếp vào danh sách tị nạn chính trị - đối tượng ưu tiên của các nước Tây Âu. Và câu chuyện chạy hộ chiếu Syria giả bắt đầu từ đây.

Còn nhớ, để giải quyết vấn đề khủng hoảng di cư, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố nước Đức sẽ tiếp nhận 80 vạn người tỵ nạn, đồng nghĩa với việc ngân sách quốc gia sẽ phải chi thêm 10 tỉ euro một năm. Vậy nhưng, trong khi châu Âu đang thắt lưng buộc bụng chống chọi với sự đình trệ kinh tế và nợ công, các công dân châu Âu cũng đang thất nghiệp, thì quyết định của bà Merkel chẳng khác nào “cái tát trái” đối với cộng đồng châu lục này. Thậm chí, ở một số quốc gia mâu thuẫn giữa các cộng đồng sắc tộc ngày càng bị khoét sâu khi dân bản địa thù hằn với dân nhập cư Hồi giáo do phải chia sẻ các phúc lợi xã hội, hay các cuộc tấn công mà những phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra.

Trong khi đó, từ đầu năm 2016, thay vì mục tiêu là những nước châu Âu như năm 2015, các nhóm Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là IS có vẻ như đã “thay đổi chiến thuật”, mở rộng phạm vi tấn công, chẳng hạn như một số nước Đông Nam Á Indonesia, Philippines... Điều này dẫn đến giả thuyết rằng, rất có thể IS đã “nhận ra sai lầm” khi thất thủ ở Syria, nên quyết tâm quay trở lại kế hoạch ban đầu: Xây dựng một Đế chế Hồi giáo Caliphate trên toàn cầu. Và một khi bị rơi vào tình trạng “cùng quẫn”, các phần tử IS hoàn toàn có thể tìm đủ mọi cách nhằm “thoát thân” để “hồi sinh”.

Hệ thống Schengen có bị “khai tử” trước “đòn tấn công” của IS?

Trước sức "tấn công" của khủng bố và cuộc khủng hoảng di cư, Hệ thống Schengen liệu có bị "khai tử"?

Xin được nhắc lại, chính xung đột, chiến tranh đã “tiếp lửa” cho khủng hoảng di cư châu Âu bùng cháy. Và có vẻ như Hệ thống Schengen - được xem là phát minh và thành công lớn nhất của EU khi đem lại “quyền tự do đi lại là quyền lớn nhất của con người” - đang bị “lợi dụng” trở thành con đường cho tội ác “lây lan”?! Bởi chính trong dòng người tị nạn không hề thiếu vắng bóng dáng những phần tử cực đoan sẵn sàng tấn công liều chết bất cứ lúc nào.

Trong bối cảnh khủng bố liên tiếp xảy ra, đặc biệt thông tin về vụ “hiếp dâm tập thể” tại Cologne (Đức) trong đêm giao thừa Tết Dương lịch khiến chính quyền các nước châu Âu không thể ngồi yên. Ngày 16/1, Áo tạm ngừng thực thi hiệp ước Schengen. Trước đó, Đan Mạch và Thụy Điển cũng đã quyết định siết chặt kiểm soát người nhập cảnh. Ngày 25/1, các Bộ trưởng EU tiến hành cuộc họp nhằm thúc đẩy thỏa thuận thành lập lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới mới của EU trước ngày 30/6 tới…

Thậm chí, ngày 23/1 vừa qua, phát biểu tại WEF46, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đưa ra đánh giá rằng, khủng hoảng người di cư đã đẩy châu Âu đứng trước nguy cơ “một mất một còn” và đe dọa sự tồn tại Hệ thống Schengen.

Như vậy, một loạt động thái cùng những “tiên đoán” không mấy sáng sủa về Hệ thống Schengen gần đây có thể cho thấy, không loại trừ khả năng phát minh tuyệt vời này của EU có thể bị bất ngờ “khai tử” trong tương lai?!

Hiệp ước Schengen là hiệp ước về đi lại tự do được 26 nước châu Âu ký kết. Các nước tham gia hiệp ước được gọi là Hệ thống Schengen, với quy định việc đi lại tự do đối với công dân của 22 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu cùng với Nauy, Island, Liechtenstein và Thụy Sĩ.

Công dân các nước khu vực miễn thị thực Schengen hoặc người có visa Schengen được cấp tại bất kỳ nước nào trong số 26 quốc gia nói trên đều được đi lại tự do trong khu vực này.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống Schengen có bị “khai tử” trước “đòn tấn công” của IS?