Giáo dục

Hệ lụy từ việc lựa chọn theo “cảm tính”

Anh Tuấn(TH) 22/03/2023 12:02

Chọn ngành, chọn trường vẫn là bài toán không hề đơn giản đối với các em học sinh lớp 12. Mùa tuyển sinh năm 2023 đang dần tới, câu chuyện về chọn ngành, trường lại nóng trở lại.

Làm thế nào để không chọn nhầm ngành học, trường học, tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra là băn khoăn của các sĩ tử cũng như gia đình và toàn xã hội khi mùa thi đang đến gần.

Một khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho thấy, khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp có ý định làm việc lâu dài; trong khi 30% muốn tìm việc làm khác vì không phù hợp với khả năng, nguyện vọng và 40% chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp.

phuong-thuc-tuyen-sinh-dai-hoc-ngoai-thuong-2021.png
Ảnh minh họa

Số liệu trên cũng là một trong những minh chứng về việc học sinh, sinh viên chọn ngành học, trường học chưa phù hợp với bản thân mình.

Sự sai sót trong những trường hợp này có thể xuất phát từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Song dù là lý do nào, thì ít nhiều cũng gây ra những hệ lụy nhất định. Hệ lụy nhãn tiền là tốn thời gian công sức, tiền bạc và vô tình làm mất đi cơ hội của thí sinh khác.

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên không hạnh phúc và không nghiêm túc trong học tập khi phát hiện mình chọn ngành học, trường học không phù hợp.

Trong số đó, có em bỏ học giữa chừng hoặc ra trường không đúng kỳ hạn. Cũng có không ít sinh viên “ngậm bồ hòn làm ngọt” nên cố học cho xong để có tấm bằng đại học. Thậm chí, nhiều em có tâm lý chán nản và có thể dẫn đến “tuột dốc” không phanh.

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2023 diễn ra ngày 19/3, một số chuyên gia cho hay: Sau năm học thứ nhất, nhiều sinh viên nhận ra rằng, ngành học, trường học đã lựa chọn chưa hẳn là mong muốn và phù hợp với bản thân.

Sai lầm nào cũng để lại sẹo nhưng sai nghề chính là vết sẹo cả cuộc đời. Chọn sai nghề khiến các em khó thăng tiến trong công việc. Thế mới thấy, việc không hướng nghiệp từ sớm, không nghiêm túc trong chọn ngành nghề có thể tạo nên những hậu quả khó lường.

Hơn bao giờ hết, cần đẩy mạnh công tác phân luồng hướng nghiệp ngay từ sớm, ít nhất là từ cấp THCS. Trước mắt, là định hướng nghề nghiệp từ phía gia đình, người thân, thầy cô giáo. Bởi suy cho cùng, việc chọn nghề thích hợp vẫn là quan trọng nhất. Chọn nghề thường theo nguyện vọng, chọn trường lại theo khả năng. Khi chọn nghề, chọn trường, các em cần tỉnh táo, sàng lọc thông tin để có quyết định phù hợp với bản thân.

Trên hết, cá nhân phải tự đặt ra các lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Lựa chọn này cần đảm bảo phù hợp với khả năng, sở thích, tính cách, điều kiện gia đình… và những yếu tố khác có liên quan đến từng nghề nghiệp cụ thể như mức thu nhập, cơ hội việc làm.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, học sinh có thể vận dụng công thức G – P – V trong lựa chọn ngành nghề. Trong đó, G – Gifts tức là tài năng. P – Passion là đam mê. V – Values là giá trị bản thân. Đây là ba từ khóa được ví như là kim chỉ nam để thí sinh nhận ra được đam mê và xác định mình có tài năng gì cũng như giá trị bản thân. Từ đó, thí sinh có thể tìm ra sự yêu thích với ngành nghề trong tương lai.

Theo Tổng hợp
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy từ việc lựa chọn theo “cảm tính”