Tình trạng lạm dụng kháng sinh bừa bãi đã gây ra nhiều hậu quả, tạo ra gánh nặng không chỉ đối với người bệnh, mỗi gia đình mà còn cho toàn xã hội.
Kháng sinh là loại thuốc có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển các loại vi khuẩn hay vi nấm gây bệnh. Nó chỉ được dùng trong các bệnh nhiễm khuẩn nhằm chống lại mầm bệnh đó. Mỗi loại kháng sinh có liều lượng và thời hạn sử dụng nhất định. Thông thường, việc điều trị kháng sinh sẽ kéo dài từ 5 đến 7 ngày.
Hãy ngừng ngay việc dùng kháng sinh bừa bãi
Tuy nhiên, nếu việc sử dụng kháng sinh không đúng liều, không đúng thời gian, không đúng bệnh giúp vi khuẩn nhận ra những điểm yếu của kháng sinh và dần dần chúng trở nên bất trị. Cùng với đó, việc uống thuốc và ngưng thuốc tùy tiện sẽ làm tăng tỉ lệ vi khuẩn kháng thuốc, làm cho quá trình điều trị sẽ không hiệu quả và bệnh càng nặng hơn.
Đi cùng với việc tiêu diệt các vi khuẩn có hại, kháng sinh cũng diệt luôn cả những vi khẩn có lợi cho cơ thể. Đặc biệt, các vi khuẩn có lợi trong đường ruột sẽ bị kháng sinh tiêu diệt đầu tiên. Đây là một mối nguy hiểm lớn đối với các hoạt động lành mạnh của cơ thể.
Hiện nay, vi khuẩn kháng thuốc ngày càng nhiều, kháng sinh "thế hệ một" gần như không còn được sử dụng. Thậm chí, một số loại kháng sinh "thế hệ mới" cũng mất dần hiệu lực.
Mới đây, theo báo cáo Tổng quan về Sự kháng thuốc chống vi trùng công bố, kể từ giữa năm 2014 đến nay, đã có hơn 1 triệu người mất mạng do những căn bệnh truyền nhiễm liên quan đến siêu vi khuẩn kháng kháng sinh. Các bác sĩ đã phát hiện một hiện tượng cực kỳ đáng ngại, đó là những loại vi khuẩn mới có khả năng kháng colistin – một loại kháng sinh polymyxin vốn được dùng điều trị các bệnh hiểm nghèo.
Con người hiện đang thất thế trong cuộc chiến chống lại những siêu vi khuẩn kháng thuốc
Con người hiện đang thất thế trong cuộc chiến chống lại những siêu vi khuẩn kháng thuốc mà từ lâu được miêu tả như “một mối nguy hiểm chẳng kém chủ nghĩa khủng bố”. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không kịp phát minh ra những loại thuốc kháng sinh mới trong khi đó lại đang lãng phí những loại thuốc kháng sinh đang có. Phát hiện này đã làm dấy lên lo ngại rằng thế giới đang phải đối mặt với “kỷ nguyên hậu kháng sinh”.
Theo dự kiến, tình hình sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn và đến năm 2050, mỗi năm sẽ có khoảng 10 triệu người thiệt mạng do siêu vi khuẩn kháng kháng sinh. Những vấn đến liên quan đến siêu vi khuẩn kháng thuốc dự kiến sẽ “ngốn” 100 ngàn tỉ USD. Hiện các quốc gia trên toàn thế giới đang nỗ lực lập ra một kế hoạch ngăn chặn ngành y thế giới “trở lại thời kì u ám”, theo ước tính kế hoạch này sẽ ngốn hàng tỉ USD.