Vừa qua, tại xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) xảy ra một vụ tự tử bằng lá ngón khiến một đôi trẻ tử vong.
Theo thông tin được biết, trước đó, Y Ua (17 tuổi, trú xã Nậm Càn) có tình cảm yêu đương với người con trai xã bên cạnh là Vừ Bá Nênh (16 tuổi).
Mới đây, cặp đôi này tỏ nguyện vọng muốn về chung sống một nhà với nhau song đã bị ngăn cản bởi cả hai đều chưa đủ tuổi kết hôn. Bức xúc vì nguyện vọng không được đáp ứng, chiều 3/7, Vừ Bá Nênh hái một nắm lá ngón bỏ vào túi rồi hẹn người yêu cùng nhau đi sâu vào phía trong một cánh rừng cách nhà Ua chừng 1 km ăn để tự tử.
Đến khoảng 16 giờ cùng ngày khi nhận được thông tin, chính quyền, người thân liền tổ chức vào rừng tìm kiếm. Khi người thân tới nơi thì cô gái đã chết, người con trai đang nguy kịch, dù được đưa đi cấp cứu khẩn cấp ngay sau đó nhưng cũng không thể cứu được.
Đây là cái chết đau lòng, bởi lý do chết không phải do tai nạn hay mắc các căn bệnh nan y nào đó mà chết là do sự bồng bột, thiếu hiểu biết của tuổi trẻ. Xoay quanh câu chuyện này không khỏi làm chúng ta suy ngẫm, vì có thể đây là một thực trạng của giới trẻ hiện nay, các em tự tìm đến cái chết chỉ vì thiếu hiểu biết, suy nghĩ nông cạn, không quý trọng bản thân.
Với sự việc trên thì gia đình nghiêm cấm các cháu sống chung như vợ chồng là đúng, bởi theo Luật Hôn nhân và Gia đình thì nam phải đủ 20 tuổi trở lên, nữ phải đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn, tức là đủ điều kiện để xác lập quan hệ hôn nhân được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ. Pháp luật quy định như vậy là do đặc điểm tâm sinh lý chung của người dân Việt Nam, khi đạt đến độ tuổi đó thì mới đủ điều kiện kết hôn, sinh sản và chăm sóc gia đình. Nếu chung sống với nhau như vợ chồng và có con chung khi chưa đủ độ tuổi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em. Vì vậy, việc gia đình ngăn cản là phù hợp với pháp luật.
Tuy nhiên, đối với lứa tuổi mới lớn thì việc xử lý tình huống này là hết sức nhạy cảm, bởi các cháu rất dễ hiểu nhầm giữa ngăn cản và ngăn cấm, nếu không thận trọng thì sẽ xảy ra hậu quả đáng tiếc nêu trên. Trong sự việc này, để xử lý tình huống, không chỉ người thân, gia đình của hai cháu vào cuộc để vận động, thuyết phục và giải thích là các cháu tạm thời chưa được sống chung, đợi đủ tuổi thì đi đăng ký kết hôn và không ngăn cấm chuyện yêu đương của 02 cháu. Đồng thời, có sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của 2 cháu. Nếu các cháu hiểu rõ thì không đến nỗi phải tìm đến cái chết như vậy.
Bên cạnh đó, lâu nay nhiều trường hợp tìm đến lá ngón để tự tử thường xuyên xảy ra, nhất là các địa phương miền núi nơi mà lá ngón có điều kiện để sinh trưởng. Lá ngón là loại thuốc độc cực kỳ nguy hiểm, khi đã ngấm vào cơ thể thì vô phương cứu chữa. Để người dân không nghĩ đến nó khi cuộc sống không có lối thoát, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần phải ra quân “tiêu diệt” loại cây này để góp phần ngăn chặn những cái chết đau lòng có thể xảy ra.
Chết là hết. Chết là kết thúc sự sống. Nhưng người chết đi sẽ để lại cho người thân, gia đình, bạn bè niềm tiếc thương vô hạn. Có những người mắc bệnh tật khi đối diện ranh giới giữa sự sống và cái chết thì mới có thể thấu hiểu hết được ý nghĩa của sự sống. Nhưng ngược với đó, là những người khỏe mạnh, có điều kiện tốt, chỉ vì một lúc bồng bột, suy nghĩ nông cạn tự tìm đến cái chết một cách lãng xẹt.
Vậy nên, mỗi chúng ta phải biết trân quý cuộc sống này, không chỉ sống cho chúng ta mà phải sống cho người thân, gia đình, bạn bè và rộng hơn là cho cả xã hội.