Sáng 15/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Võ Văn Dũng – Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương; Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an; cùng đại diện Lãnh đạo các Ban, Bộ ngành, cơ quan Trung ương.
Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có các Phó Chủ tịch: Hồ Sỹ Hùng, Nguyễn Ngọc Cảnh và Đỗ Hữu Huy; đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng và Trung tâm Thông tin; cùng đại diện lãnh đạo 19 Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc.
Thực hiện đầy đủ, toàn diện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Sau hơn 4 năm hoạt động, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các Bộ, cơ quan và 19 Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc; sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, Ủy ban đã đạt được nhiều kết quả. Ủy ban đã tiếp nhận và thực hiện đầy đủ, toàn diện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng Công ty theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018.
Báo cáo trình Bộ Chính trị về đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp” theo Thông báo số 40-TB/TW ngày 14/9/2022 đã khẳng định, chủ trương thành lập Ủy ban là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tính chất, đặc điểm, vị trí vai trò của doanh nghiệp nhà nước và quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước của Đảng và Nhà nước.
Theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, năm 2022 vừa qua là một năm đặc biệt, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty đã nỗ lực cao độ, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ và có nhiều đóng góp quan trong cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid 19 (2022-2023), góp phần phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Các Tập đoàn, Tổng công ty tiếp tục thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chính sách an sinh xã hội.
“Hôm nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội nghị tổng kết để nhìn lại, đánh giá những kết quả mà Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty đạt được năm 2022 vừa qua. Thảo luận, chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại. Phân tích những thách thức, cơ hội trong năm 2023 và những năm tiếp theo, nhận diện đầy đủ những yếu tố rủi ro, khó khăn, vướng mắc; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu cho Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành ngày một tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó” – Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Các Tập đoàn, Tổng Công ty giữ vững vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái, tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc kéo dài, giá dầu biến động phức tạp, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tại nhiều quốc gia gia tăng, cạnh tranh chiến lược nước lớn, bất ổn địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; thiên tai, biến đổi khí hậu… Bối cảnh tình hình thế giới cùng với những hậu quả để lại từ đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực, mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế trong nước, ở mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; trong đó, có các Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và kế hoạch công tác năm 2022, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng Công ty đã cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội, hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ công tác năm 2022.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ban hành và triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Thông báo số 21/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.
Ủy ban cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ, thúc đẩy các Tập đoàn, Tổng công ty duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó. Đồng thời, chủ động trao đổi ý kiến, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết công việc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng bổ sung, kiện toàn lãnh đạo một số đơn vị; thực hiện quy trình rà soát, bổ sung phê duyệt quy hoạch Lãnh đạo Ủy ban giai đoạn 2021-2026 và 2026-2031; tiếp nhận công chức, cán bộ hỗ trợ từ các doanh nghiệp; triển khai công tác đào tạo, thi đua khen thưởng. Đẩy mạnh công tác hành chính, quản trị, thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Ủy ban đã thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp ngành công thương. Đến nay một số dự án, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Ủy ban đã nhanh chóng cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Đảng và Chính; định hướng hoạt động công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Ủy ban; từng bước hình thành môi trường làm việc số. Thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc tích cực triển khai các nội dung, giải pháp theo Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và tại các doanh nghiệp nói riêng.
Tổng doanh thu ước đạt 1.123.334 tỷ đồng
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, Năm 2022, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và tình hình bất ổn thế giới làm cho một số doanh nghiệp thuộc Ủy ban lợi nhuận giảm mạnh, có doanh nghiệp lỗ lớn, giảm vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao độ, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng mọi thời cơ, các Tập đoàn, Tổng công ty vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chính sách an sinh xã hội; về cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước.
Về thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 Tập đoàn, Tổng Công ty ước đạt 1.123.334 tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021). Ngoại trừ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lỗ đột biến do nguyên nhân khách quan, tổng lợi nhuận trước thuế của 18 Tập đoàn, Tổng công ty ước đạt 39.219 tỷ đồng (bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021). Trong đó, 15/19 Tập đoàn, Tổng Công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 Tập đoàn, Tổng Công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 Tập đoàn, Tổng Công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.
Một số Tập đoàn, Tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả tích cực, vượt mức kế hoạch tại nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh so với những năm trước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoán sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)...
Về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư năm 2022, sau 4 năm chuyển về Ủy ban quản lý, có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc Ủy ban phê duyệt/triển khai thực hiện/hoàn thành đầu tư.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Tập đoàn, Tổng Công ty, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư; trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng.
Năm 2022, Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật và ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng Công ty được giao quản lý, khắc phục tình trạng trước đây nhiều nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được thực hiện đầy đủ hoặc tồn đọng qua nhiều năm. Nhiều công việc được thực hiện tốt hơn trước đây. Ủy ban đã chú trọng đề cao nguyên tắc tuân thủ pháp luật và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, nhất là đối với các dự án đầu tư lớn. Đối với những vấn đề pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa đủ rõ, Ủy ban đã chủ động đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn làm rõ để bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ. Qua đó, tránh những sai phạm, sơ hở trong quá trình thực hiện như trước đây đã xảy ra ở một số doanh nghiệp.
Về cơ bản, 19 Tập đoàn, Tổng Công ty hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số Tập đoàn, Tổng Công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước; thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Nỗ lực và quyết tâm lớn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023
Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bày tỏ sự cám ơn các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban, các Tập đoàn, Tổng công ty đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tâm huyết đóng góp vào kết quả công tác chung của Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty năm 2022; đóng góp vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và một số cân đối lớn, quan trọng của nền kinh tế.
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đánh giá: “Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty đã nỗ lực và quyết tâm cao độ, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng mọi thời cơ. Các tập đoàn, tổng công thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chính sách an sinh xã hội; về cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước”.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, Ủy ban và các doanh nghiệp đã triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có tính kết nối, lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đó là các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị lẫn an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng như chuỗi dự án Lô B, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Ủy ban cũng đã nhanh chóng cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Đảng và Chính; định hướng hoạt động công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Ủy ban; từng bước hình thành môi trường làm việc số. Thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc tích cực triển khai các nội dung, giải pháp theo Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và tại các doanh nghiệp nói riêng.
“Theo dự báo, tình hình quốc tế và trong nước năm 2023 tiếp tục có nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó lường. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2023, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty cần nỗ lực, quyết tâm rất lớn để vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển. Với kinh nghiệm, sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao và kết quả đạt được năm 2022, tôi tin tưởng rằng, năm 2023, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác đề ra” – Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Hội nghị đã vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, thi đua.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao Huân chương Lao động hạng nhất và hạng nhì cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho các cá nhân có thành tích xuất sắc |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao Bằng khen của Thủ tướng cho các cá nhân có nhiều thành tích trong công tác từ năm 2017 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc |