Ngày 9/12, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hậu Giang Khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 23 (Kỳ họp cuối năm 2024), nhằm đánh giá tình hình hoạt động, thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và các Nghị quyết trên các lĩnh vực công tác khác thuộc thẩm quyền của HĐND.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, năm 2024, địa phương đã thực hiện đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND. Trong đó, có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động và kê khai thuế, tỷ lệ tăng dân số, lao động được giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, tỷ lệ sử dụng nước sạch;
5 chỉ tiêu đạt kế hoạch, gồm: tỷ lệ đô thị hóa, nông thôn mới, tỷ lệ rác thải sinh hoạt ở đô thị và nông thôn được thu gom và xử lý và các chỉ tiêu trên lĩnh vực quốc phòng và an ninh.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP trên địa bàn đạt 7,6%, vượt kế hoạch đề ra, xếp thứ hai khu vực ĐBSCL (sau tỉnh Trà Vinh). Trong đó, khu vực I tăng 3,17%, khu vực II tăng 13,06%, khu vực III tăng 6,82%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,52% so với cùng kỳ.
GRDP bình quân đầu người đạt 90,04 triệu đồng (kế hoạch 88,84 triệu đồng), tương đương 3.602 USD, tăng 12,09% so với cùng kỳ, vượt 1,35% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng khu vực II, khu vực III.
Tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt 25.800 tỷ đồng, tăng 13,66% so với cùng kỳ, vượt 3,32% kế hoạch. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.520 tỷ đồng, tăng 23,52% so với cùng kỳ, vượt 0,27% kế hoạch. Trong đó thu nội địa 7.017 tỷ đồng, tăng 27,14% so với cùng kỳ, vượt 3,19% kế hoạch; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 503 tỷ đồng, bằng 88,4% so với kế hoạch.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 1,270 tỷ USD, tăng 3,34% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu 349 triệu USD, bằng 94,07% so với cùng kỳ, đạt 83,49% kế hoạch.
Số doanh nghiệp hoạt động và có kê khai thuế 4.770 doanh nghiệp, tăng 9,4% so với cùng kỳ, vượt 0,15% kế hoạch.
Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,48%, giảm 1,81% so với cùng kỳ; thêm 2 xã được công nhận xã nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 42/51 xã. Trong đó, có 11/42 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 5/11 xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cũng thẳng thắng nhìn nhận, bên cạnh những mặt đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang vẫn còn một số tổn tại và hạn chế như:
Thu ngân sách trên địa bàn thiểu tính bền vững, đặc biệt là thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thấp; kim ngạch nhập khẩu không đạt kế hoạch.
Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giải thể tăng cao (có 210 doanh nghiệp đăng ký giải thể, tổng vốn gần 200 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ). Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án đầu tư còn chậm, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế (Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, giai đoạn 1; Khu công nghiệp Sông Hậu 2 ).
Một số dự án đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, chưa phát huy hiệu quả; công tác cải cách hành chính một số lĩnh vực chưa đồng bộ, một bộ phận nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên do tác động của nguyên nhân khách quan: ảnh hưởng suy thoái kinh tế hậu COVID-19, tình hình bất ổn địa chính trị tại một số quốc gia trên thế giới.
Về nguyên nhân chủ quan: công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chưa đi vào thực chất; tinh giản biên chế và tuyển dụng biên chế chưa đạt yêu cầu; thiếu quyết liệt trong xử lý một số vi phạm của nhà đầu tư; chậm thực hiện các khu tái định cư, làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng phát triển các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án phát triển công nghiệp.
HĐND tỉnh Hậu Giang kỳ họp cuối năm 2024 sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 10/12.