Đời sống

Hành trình “Công lý và trái tim” tri ân các anh hùng liệt sỹ

Thảo Nguyên 26/07/2023 15:15

Trong 4 ngày (từ 18-21/7/2023), đoàn công tác của Báo Công lý đã về với những “địa chỉ đỏ”, đặt vòng hoa, dâng nén tâm hương tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

thao-nguyen.jpg

Trong 4 ngày (từ 18-21/7/2023), đoàn công tác của Báo Công lý đã về với những “địa chỉ đỏ”, đặt vòng hoa, dâng nén tâm hương tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Dải đất miền Trung một thời từng được gọi là “miền đất lửa” ấy đã đi vào lịch sử như là biểu tượng của lòng dũng cảm, ý chí bất khuất trước kẻ thù của dân tộc Việt Nam; dải đất với những địa danh đã trở thành huyền thoại, như Ngã ba Đồng Lộc, Sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn…

Đây là chuyến hành trình "về nguồn" đầy ý nghĩa của Báo Công lý, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hướng tới kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023).

img_20230726_065408.jpg
Tổng Biên tập Trần Đức Vinh chia sẻ trong chuyến đi.

Chia sẻ về ý nghĩa của chuyến đi, Tổng Biên tập Trần Đức Vinh cho biết, tri ân các anh hùng liệt sỹ là việc làm thiết thực, giàu ý nghĩa nhân văn, góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Trong những năm qua, báo Công lý đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ và thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách. Hoạt động này sẽ được duy trì thường niên trong các năm tới, trở thành nét văn hóa truyền thống của Báo Công lý.

Tại Hà Tĩnh, điểm đầu tiên trong hành trình, Đoàn công tác của Báo Công lý do đồng chí Trần Đức Vinh - Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập dẫn đầu, cùng Phó Tổng Biên tập, Chủ tịch Công đoàn Tô Thị Lan Phương và các cán bộ, phóng viên, người lao động của Báo Công lý đã tới dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ, thanh niên xung phong tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).

Ngắm Ðồng Lộc hôm nay, ít ai biết rằng, nửa thế kỷ trước vùng đất này từng nằm trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, nằm giữa là con đường độc đạo mà đế quốc Mỹ ra sức đánh phá nhằm ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Tại khu vực Ngã ba Ðồng Lộc có nhiều lực lượng như bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân, du kích. Thời điểm đông nhất, lên tới hơn 16.000 người làm nhiệm vụ tại đây. Họ là những người trực tiếp chiến đấu đánh trả máy bay địch, cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu dẫn đường chỉ lối, bảo đảm an toàn cho người và hàng hóa đi qua.

img_20230726_065956.jpg

Vào những ngày tháng 7, đất trời Đồng Lộc tấp nập đón những đoàn người hành hương ở khắp mọi miền Tổ quốc về với nơi mà trong chiến tranh được mệnh danh là “tọa độ chết”, nơi mà 1m2 đất phải hứng chịu 3 quả bom cày xới, thấm đẫm máu xương của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Cùng với Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong là khu Tượng đài Tổ quốc ghi công Tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, phía đằng sau có mười ngôi mộ trắng nghi ngút khói nhang được bao bọc bởi rừng cây xanh mát.

Tại đây, Tổng Biên tập Báo Công lý Trần Đức Vinh cùng đoàn tri ân đã đặt vòng hoa, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong toàn quốc - nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sỹ thanh niên xung phong trong cả nước, khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc và Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc.

z4549290244327_594740d40ab1faff5d9eb13542402b9f.jpg
Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị Lê Hồng Quang (trái) và Tổng Biên tập Báo Công lý Trần Đức Vinh trao quà tặng các gia đình chính sách

Các thành viên trong đoàn đã kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Ông Đào Anh Tuân - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: “Tại địa danh này cũng như trên mảnh đất Hà Tĩnh, dọc tuyến đường Trường Sơn tất cả đều dồn mọi tiềm lực, sức lực kể cả sự hy sinh cho chiến trường. Tại Ngã ba Đồng Lộc, sự hy sinh của 10 cô gái là biểu tượng về sự kiên cường, bất khuất. Sau hòa bình lập lại thì khu Ngã ba Đồng Lộc trở thành một khu di tích lịch sử có một vai trò hết sức quan trọng, là một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống. Từ đầu tháng 7 này, trung bình mỗi ngày đón gần 2.000 lượt khách đến tham quan, dâng hương. Đặc biệt những ngày cao điểm có hơn 3.000 lượt khách. Họ là những cựu chiến binh, thanh niên, thiếu nhi, công nhân viên chức... về tri ân các anh hùng liệt sỹ”.

Tiếp nối hành trình tri ân, đoàn công tác đã về “miền đất lửa” Quảng Trị với những “địa chỉ đỏ”: Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9; Thành cổ Quảng Trị - nơi ghi dấu tích hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước để thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Tháng 7, Quảng Trị đón chúng tôi với cái nóng oi nồng, gay gắt. Trời miền Trung trong vắt không một gợn mây. Chẳng biết có phải thiên nhiên muốn bù đắp cho vùng đất vốn chịu nhiều đau thương bởi mưa bom bão đạn triền miên của kẻ thù mà Quảng Trị hôm nay xanh mướt mát bóng cây.

Trong chiến tranh, Quảng Trị là “đất lửa” thì Thành cổ chính là tâm nhiệt của mưa bom bão đạn. Đặt chân đến “vùng đất thiêng”, các thành viên trong đoàn đều trào dâng xúc động, bước chân dường như chậm rãi, nhẹ nhàng hơn bởi ai cũng hiểu dưới mỗi bước chân đang đi là máu xương của hàng vạn anh hùng liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây.

img_20230726_070504.jpg
Đoàn tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị

Qua giọng nói ngọt ngào và truyền cảm của cô hướng dẫn viên miền Trung đoàn chúng tôi đã có dịp nghe lại những chiến tích đầy hào hùng, anh dũng nhưng cũng đầy bi thương. Chỉ trong vòng 81 ngày, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã ném xuống đây gần 330.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Riêng ngày 25/7/1972, chúng xả vào Thành cổ hơn 5.000 quả đại bác.

Về với Thành cổ Quảng Trị để cảm nhận đầy đủ hơn giá trị của cuộc sống hôm nay, một cuộc sống phải đổi bằng biết bao xương máu của hàng vạn, hàng vạn liệt sỹ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Không có những nấm mồ, không có những tấm bia ghi danh tên tuổi các liệt sỹ, nhưng “túi bom” Thành cổ Quảng Trị vẫn được ví như một nghĩa trang bởi nơi đây, sau 81 ngày chiến đấu khốc liệt, hàng vạn chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm lại vì mảnh đất này vì mong muốn khát khao hòa bình thống nhất đất nước. Sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ mùa hè đỏ lửa 1972 đã trở thành huyền thoại bất tử trong tâm trí người Việt, chói sáng trang sử vẻ vang của dân tộc.

Dọc hai bên đường vào Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ngút ngàn những rặng cao su, hồ tiêu bên những nếp nhà bình dị đến nao lòng. Nơi an nghỉ của hơn 10 ngàn người con ưu tú khắp mọi miền Tổ quốc đã anh dũng hy sinh trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Tới nơi đây, chúng tôi thật sự ấn tượng và lặng người trước màu đỏ đến nhức nhối như cứa vào tâm can của những chùm hoa phượng kề cận với khu Đài tưởng niệm. Dường như máu đào của bao anh hùng liệt sỹ vừa rời sách bút thấm đẫm vùng đất này đã hun đúc, làm cho màu hoa phượng như đỏ hơn, rực cháy những khát vọng, nhiệt huyết tuổi trẻ mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Khắp những khu mộ đều bắt gặp hình ảnh tri ân xúc động của từng dòng người đã được đến mảnh đất thiêng liêng này. Nghĩa trang Trường Sơn với gió rừng xao xác thổi trên những khóm cây, bụi cỏ, hàng đoàn khách viếng mộ kéo dài như vô tận trong thời điểm cả nước đang kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7). Đâu đó tiếng loa phát khúc ca “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” vang vọng giữa khói hương trầm mặc, gợi nhớ về một thời hoa lửa của những con người ngày đêm chinh chiến trên con đường huyền thoại, con đường ấy đã hòa tan cùng với dòng máu nóng của các anh hùng khi bảo vệ từng tấc đất, mét đường.

Trong lúc dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, đàn chim bồ câu cả trăm con đồng loạt vỗ cánh chao lượn trên bầu trời rồi nhẹ nhàng đậu trên nòng súng, bàn tay dang rộng của tượng đài khắc họa chiến sỹ giải phóng quân và người phụ nữ bế cháu nhỏ trên tay. Hình ảnh cánh chim biểu tượng cho hòa bình tại nơi ghi khắc tội ác chiến tranh của quân xâm lược như thông điệp khát vọng cháy bỏng, quyết tâm sắt đá của dân tộc Việt: Luôn muốn hòa bình nhưng chưa bao giờ biết cúi đầu khuất phục trước bất cứ thế lực xâm lăng bạo ngược nào.

Trong không gian vắng vẻ của trưa hè, chúng tôi lặng lẽ thắp những nén nhang tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Nhìn những hàng mộ trắng thẳng đều tăm tắp, nổi bật giữa nền trời xanh thẳm, giữa màu xanh của rừng thông bạt ngàn, ai nấy đều không giấu được sự xúc động. Những hàng mộ trắng ấy một lần nữa nhắc nhở chúng tôi, rằng Tổ quốc Việt Nam có được như ngày hôm nay, chúng tôi có ngày hôm nay, là bởi có biết bao anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất này.

Sau khi hoàn thành các hoạt động tri ân tại tỉnh Quảng Trị, chiều 19/7, Đoàn công tác Báo Công lý đã đến Vũng Chùa, Đảo Yến, tỉnh Quảng Bình dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.

img_20230726_070818.jpg
Đoàn dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong suốt 30 năm làm Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cán bộ, chiến sĩ yêu mến, kính trọng và suy tôn là "Người anh cả" của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà văn hóa lớn, nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng, có uy tín lớn ở trong nước và quốc tế.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, đoàn công tác Báo Công lý đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; nguyện noi theo tấm gương suốt đời cống hiến vì nước, vì dân của Đại tướng, quyết tâm ra sức rèn luyện, phấn đấu, góp sức xây dựng đất nước ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại, xây dựng Tổ quốc hùng cường, thịnh vượng.

Tiếp nối hành trình tri ân, Đoàn công tác đã về dâng hoa, dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An); tưởng niệm 1.240 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó, có 13 chiến sĩ thanh niên xung phong, thuộc Đại đội Thanh niên xung phong 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An hy sinh oanh liệt ngày 31/10/1968. Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn là huyết mạch giao thông quan trọng để vận chuyển nhân lực, vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam. Không quân Mỹ đã trút xuống Truông Bồn gần 19.000 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của ta, biến nơi đây thành một “tọa độ lửa”.

Tại Khu Di tích Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), nơi lưu giữ những di tích, di vật gắn liền với quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong không khí thiêng liêng, thành kính, đồng chí Tổng Biên tập Trần Đức Vinh cùng đoàn đại biểu đã dâng nén hương thơm, lẵng hoa tươi thắm lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và lòng kính trọng sâu sắc đối với Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và Nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

img_20230726_071411.jpg

Hành trình “Công lý và trái tim” đến với miền Trung, tri ân “miền đất lửa”, để dâng hương, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, để thấu hiểu được nỗi đau của chiến tranh và tôn trọng giá trị của hòa bình và độc lập dân tộc. Mỗi chúng tôi - những người làm báo càng thấm thía hơn những hy sinh, mất mát của một thế hệ những người con đất Việt đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Chúng tôi càng phải ý thức hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước, quê hương, không ngừng trau dồi rèn luyện, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ đi trước để chúng tôi có được ngày hôm nay.

img_20230726_071318.jpg

Trong hành trình tri ân năm nay, Báo Công lý đã giao lưu, trao tặng những món quà ý nghĩa, thiết thực tới các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách và cán bộ công chức ngành tòa án có cuộc sống còn khó khăn tại các tỉnh miền Trung.

Báo Công lý đã trao tặng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tới 2 gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng ở tỉnh Quảng Trị, trị giá 50 triệu đồng mỗi căn.

Đồng chí Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập báo Công lý Trần Đức Vinh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người đã có nhiều đóng góp và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mong các mẹ giữ gìn sức khỏe, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để con, cháu cũng như thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu, học tập, rèn luyện và noi theo.

z4549220454701_570fb3bfe2aa0f762d97cfa10abd7e41.jpg
Ông Phạm Trọng Hoàng, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Nghệ An (bên trái) và Tổng Biên tập Báo Công lý Trần Đức Vinh trao quà cho gia đình chính sách

Tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, Báo Công lý trao tặng cho cựu nữ Thanh niên xung phong Trần Thị Thông - người sống sót duy nhất của tiểu đội 2, C317 Thanh niên xung phong Nghệ An trong trận bom ngày 31/10/1968 khiến 13 người hy sinh.

Đồng chí Trần Đức Vinh đã động viên, thăm hỏi, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với bà Trần Thị Thông nói riêng và các cựu Thanh niên xung phong nói chung - những người đã đóng góp công sức, xương máu cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; mong các cựu Thanh niên xung phong luôn phát huy phẩm chất cách mạng, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đồng thời, Báo Công lý đã trao tặng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tới 2 cán bộ tòa án có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Tĩnh, Nghệ An; trị giá 50 triệu đồng mỗi căn;

Trao tặng 30 chiếc xe đạp cho các em học sinh là con cán bộ, công chức ngành tòa án tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị.

z4549263204561_6990dffcd8334b0e5bb5fb6b8cfd2427.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải (trái) và Tổng Biên tập Báo  Công lý Trần Đức Vinh trao tặng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tĩnh nghĩa cho cán bộ TAND có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Võ Trọng Hải - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ sự cảm kích trước những nghĩa cử thiết thực của Báo Công lý: “Đây thực sự là nguồn động viên khích lệ những gia đình khó khăn có được mái nhà để vươn lên thoát nghèo, cũng như các em học sinh nghèo vượt khó được tiếp sức để vươn lên học tập tốt; đồng thời hy vọng trong thời gian tới địa phương tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Báo Công lý đối với sự nghiệp giáo dục và xóa đói giảm nghèo của tỉnh nhà”, ông Võ Trọng Hải bày tỏ.

Báo Công lý cũng xin cảm ơn sự đồng hành của các doanh nghiệp: 

- Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Bất Động Sản Đông Đô – BQP

- Công ty TNHH MTV Điện tử Sao Mai

- Công ty CP Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng

- Công ty Cổ phần SYNOT ASEAN

- Công ty Cổ phần Công nghệ Xanh Quang Minh

- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

- Trường Đại học Gia Định

- Công ty Cổ phần dược phẩm Thái Minh

- Công ty Cổ phần Tập đoàn Cát Vàng

- Công ty Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Tràng An

- Công ty TNHH Rèm T&A

- Công ty Cổ phần nước Hoàng Minh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình “Công lý và trái tim” tri ân các anh hùng liệt sỹ