Năm nay sẽ là năm đầu tiên tổ chức Lễ hội Hang Rú Ấm – Cây Đa Làng Trù. Lễ hội diễn ra có nhiều hoạt động ý nghĩa, nhằm phát huy giá trị của Di tích lịch sử cấp tỉnh Hang Rú Ấm – Cây Đa Làng Trù. Hiện nay, Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang gấp rút chuẩn bị nhằm đem đến cho du khách phập phương những trải nghiệm độc đáo.
Lưu giữ giá trị lịch sử cách mạng
Theo dòng lịch sử, vào đầu tháng 10/1930, tại hang Rú Ấm, xã Thọ Lộc (nay thuộc xã Nghĩa Đức), đồng chí Võ Nguyên Hiến đã cùng đồng chí Võ Thược tổ chức cuộc họp bàn việc thành lập Chi bộ Đảng. Sau khi báo cáo về việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930, đồng chí Võ Nguyên Hiến tuyên bố thành lập chi bộ ghép gồm các đảng viên của hai xã Thọ Lộc và Cự Lâm.
Chi bộ Đảng đầu tiên của Nghĩa Đàn được chính thức thành lập với 5 đảng viên, do đồng chí Phan Đình Lại làm Bí thư, phụ trách chung; đồng chí Nguyễn Đình Thạc làm Phó Bí thư kiêm tổ chức; đồng chí Võ Thược làm thư ký và liên lạc với cấp trên. Đây là một trong những Chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên ở các huyện miền núi Nghệ An.
Ngày Quốc tế Lao động 01/5/1939, tại Hang Rú Ấm, Huyện ủy Nghĩa Đàn đã tổ chức cuộc mít tinh nhằm tiếp tục duy trì khí thế cách mạng cho quần chúng. Cuộc mít tinh này đã thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân ở các vùng Thọ Lộc, Cự Lâm, Sen, Sẻ và các đồn điền lân cận tham gia với biểu ngữ, cờ đỏ búa liềm ca ngợi truyền thống đấu tranh anh dũng của công nhân và lao động quốc tế, kêu gọi công nhân và lao động trong huyện tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ các quyền lợi của mình, đòi duy trì các quyền tự do, dân chủ…
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh liên tỉnh, giữa tháng 6/1945, Mặt trận Việt Minh liên tỉnh giao nhiệm vụ đồng chí Phan Hữu Khiêm lên Nghĩa Đàn chỉ đạo việc thành lập Mặt trận Việt Minh Nghĩa Đàn.
Ngày 15/8/1945, lệnh khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh liên tỉnh đã về tới huyện Nghĩa Đàn, Mặt trận đã cho tổ chức hội nghị để phổ biến lệnh khởi nghĩa giành chính quyền và thành lập Ủy ban khởi nghĩa của huyện.
Sáng ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Ủy ban Khởi nghĩa huyện Nghĩa Đàn, hàng ngàn quần chúng của các xã thuộc tổng Cự Lâm, Nghĩa Hưng, Thạch Khê, Hạ Sưu, Thái Thịnh và hàng trăm anh chị em công nhân các đồn điền vùng Phủ Quỳ mang theo súng săn, giáo mác, gậy gộc, rìu rựa đến tập trung tại cây Đa Làng Trù (Vĩnh Lại) giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu cách mạng, rầm rộ kéo về huyện lỵ.
Uỷ ban nhân dân lâm thời và Uỷ ban Mặt trận Việt Minh huyện đã ra mắt công chúng, tuyên bố xoá bỏ vĩnh viễn chế độ đế quốc, phong kiến và bộ máy chính quyền tay sai của phát xít Nhật.
Phát huy giá trị truyền thống cho thế hệ mai sau
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lưu giữ truyền thống lịch sử cách mạng, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn đã họp, thống nhất chủ trương nâng cấp và tổ chức Lễ hội Hang Rú Ấm – Cây Đa Làng Trù lần thứ nhất năm 2024. Giao UBND huyện chủ trì phối hợp với các bộ phận liên quan, triển khai các nội dung, phần việc đảm bảo kế hoạch đề ra.
Lễ hội Hang Rú Ấm – Cây Đa Làng Trù lần thứ nhất năm 2024 đang gần đến, những ngày này, mọi con đường dẫn về Cây Đa Làng Trù xã Nghĩa Khánh, Hang Rú Ấm xã Nghĩa Đức rực rỡ cờ hoa. Nhiều băng rôn, khẩu hiệu chào đón du khách về với lễ hội cũng đã được treo lên ở những vị trí trang trọng, dễ quan sát. Tất cả đã tạo nên không khí nhộn nhịp, vui tươi và phấn khởi nhất.
Những ngày này, các thành viên trong các CLB cồng chiêng đang miệt mài tập luyện chương trình nghệ thuật để phục vụ đêm khai mạc Lễ hội vào tối 21/8. Tất cả đều say mê với trách nhiệm cao nhất để góp phần thành công đêm hội.
Cùng với đó, xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đức tổ chức tổng dọn vệ sinh, quét dọn đường làng, vệ sinh, trồng thêm hoa để cảnh quan tại các di tích thêm khang trang, sạch đẹp, sẵn sàng chào đón du khách gần xa. Chị Nguyễn Thị Trang – Bí thư Đoàn xã Nghĩa Khánh, cho biết thêm: Xác định được vinh dự và cũng là trách nhiệm khi có di tích, là nơi tổ chức Lễ hội, tuổi trẻ xã nhà đã tích cực làm các phần việc, công trình để di tích Cây Đa Làng Trù có được diện mạo đẹp đẽ nhất, tích cực tuyên truyền về Lễ hội.
Về với Lễ hội Hang Rú Ấm – Cây Đa Làng Trù lần thứ nhất, mỗi người dân và du khách có dịp tri ân tiền nhân đi trước; thăm Hang Rú Ấm (xã Nghĩa Đức) – nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, thăm Cây Đa Làng Trù (xã Nghĩa Khánh) - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện và Cây Đa Làng Trù là nơi tập trung lực lượng Nhân dân Nghĩa Đàn đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945; về với truyền thống lịch sử cách mạng, về với quá khứ oai hùng của quê hương, dân tộc.
Về với Lễ hội, bà con nhân dân và du khách còn được thưởng thức các chương trình văn hóa – văn nghệ, cồng chiêng, nhảy sạp đặc sắc; Hội trại thanh niên của 23 xã, thị trấn; các hoạt động thi đấu thể thao sôi nổi, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co; tung còn… Du khách cũng được tham quan các gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng trên địa bàn Nghĩa Đàn.
Du khách Lễ hội Làng Vạc còn được tham quan Hồ Khe Đá, Sông Sào, Hòn Mát, Trang trại bò sữa, những vườn ổi trĩu quả, thăm làng nghề mật mía Làng Găng hay dọc các cánh đồng cỏ, ngô bạt ngàn nơi cao nguyên Phủ Quỳ màu mỡ…
Mọi khâu chuẩn bị cho Lễ hội đã và đang được các cấp, ngành, địa phương ở huyện Nghĩa Đàn chuẩn bị, kết nối để du khách đến với Lễ hội Hang Rú Ấm – Cây Đa Làng Trù sẽ được tiếp cận những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái ở vùng Tây Bắc Nghệ An. Tất cả đang hứa hẹn một mùa lễ hội trang trọng, thành kính, vui tươi, phấn khởi. Du khách về đây sẽ được hòa mình vào không gian tâm linh, tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên vùng đất Phủ Quỳ.
Ông Lê Thái Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ lễ hội Hang Rú Ấm – Cây Đa Làng Trù lần thứ nhất năm 2024, khẳng định: Lễ hội được tổ chức lần đầu, BTC xác định rõ việc tổ chức đảm bảo tính trang nghiêm, thành kính, an toàn, vui tươi, tiết kiệm cả phần lễ và hội.
Do đó, chúng tôi đã xây dựng, ban hành các kế hoạch, họp phân giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, các ngành, đơn vị liên quan. Đến thời điểm này Nghĩa Đàn đã sẵn sàng cho mùa lễ hội lần thứ nhất. Cùng với đó, việc tổ chức Lễ hội Hang Rú Ấm – Cây Đa Làng Trù được huyện Nghĩa Đàn xác định là hoạt động hết sức cần thiết nhằm thể hiện sự thành kính, tri ân công lao của các bậc tiền nhân.
Đồng thời đáp ứng nhu cầu văn hóa của bà con nhân dân trong và ngoài địa bàn, khẳng định giá trị, vị thế di tích lịch sử cấp tỉnh Hang Rú Ấm – Cây Đa Làng Trù được UBND tỉnh Nghệ An công nhận năm 2012.
Lễ hội Hang Rú Ấm – Cây Đa Làng Trù lần thứ nhất là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để ôn lại truyền thống, quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện và là nơi tập trung lực lượng Nhân dân Nghĩa Đàn đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, đồng thời là dịp để vun đắp thêm niềm tự hào về quê hương, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân Nghĩa Đàn trên chặng đường đi tới.
Năm 2024, UBND huyện quyết định nâng cấp và tổ chức Lễ hội Hang Rú Ấm – Cây Đa Làng Trù với quy mô cấp huyện, thời gian 2 ngày (ngày 21 và ngày 22 tháng 8), gồm các hoạt động chính: Về phần lễ, tổ chức dâng hương tại Hang Rú Ấm (xã Nghĩa Đức) và Cây Đa Làng Trù (xã Nghĩa Khánh); về phần hội, diễn ra các hoạt động như Hội trại, thi đấu các môn thể thao, trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện Nghĩa Đàn.