Theo tục lệ của địa phương gần 600 năm qua, đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch tại làng Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, chính quyền địa phương và đông đảo người dân tham gia tổ chức Lễ hội đền Dẻ Đoóng. Ngôi đền Dẻ Đoóng được nhiều đời lưu truyền rất linh thiêng, nên hàng năm, du khách thập phương và nhân dân trong tỉnh đông đảo tìm về.
Ngôi đền thuộc làng Dẻ Đoóng (tiếng địa phương nghĩa là “Giang Động”) nằm cạnh con sông Bằng chảy qua bồn trũng Hòa An. Bồn trũng này hình thành do hoạt động của đứt gãy sâu Cao Bằng-Tiên Yên. Đền Dẻ Đoóng là nơi duy nhất trong các điểm tham quan của CVĐC Non Nước Cao Bằng, nơi du khách có thể trải nghiệm cuộc sống và cảnh quan giống như ở một làng xóm châu thổ sông Hồng, giữa một vùng non nước.
Đền Dẻ Đoóng được xây vào năm 1429, lúc đầu thờ các vị thần sông, thần núi có công với người dân tổng Nhượng Bản, châu Thạch Lâm xưa. Đền gắn với sự tích chấn yên dòng sông, ngăn không cho thác lũ phá hoại mùa màng, gieo rắc tang thương cho người dân, nên sau này Vua Mạc Kính Cung còn đặt tên là đền Giang Động. Đến thời Hậu Lê (1427-1789), đền Dẻ Đoóng được sửa sang lại đồng thời đưa thêm tượng phật và thánh mẫu vào phối thờ, từ đó đền có thêm chức năng thờ phật và mẫu.
Tương truyền: Ngày xưa có một chàng trai nghèo làm nghề đánh cá, chàng là người có hiếu với cha mẹ. Đến ngày giỗ cha, chàng đi quăng chài với hy vọng sẽ được một mẻ cá để về làm giỗ, nhưng quăng mãi mà không được con cá nào. Lúc nào kéo chài lên cũng chỉ được một hòn đá hình hai người, chàng chắp tay cầu khấn: “Nếu là thần thánh, xin cho một mẻ cá về giỗ cha”. Sau lời khấn, chàng đã quăng chài được một mẻ cá đầy. Thấy lời khấn của mình có hiển linh, chàng trai đem hòn đá về lập miếu thờ ở Vò Ban. Vào một đêm mưa to, gió lớn, miếu thờ bị tốc mái, một gắp gianh bay sang đồi Riệt Rì, từ đó nhân dân đã dựng miếu thờ tại đấy. Nhưng tại nơi đấy xa dân cư, đường đi lại khó khăn, diện tích chật hẹp không đáp ứng được nhu cầu tế lễ của nhân dân, nên nhân dân trong vùng đã dựng ngôi đền tại làng Dẻ Đoóng và đưa hòn đá thần ở miếu vào đền để thờ.
Đến thế kỷ XV, tù trưởng Bế Khắc Thiệu hô hào dân chúng quyên góp xây dựng đền khang trang hơn. Thời kỳ nhà Mạc đóng đô ở Cao Bằng (1593 - 1677) đã cho quân sản xuất gạch ngói để xây dựng thành quách, cung điện, đền chùa, đền Dẻ Đoóng cũng được tu sửa lại.
Năm 1677, sau khi dẹp xong nhà Mạc, để có nơi tụng kinh, niệm phật, cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vua Lê đã cho sửa sang lại đền Dẻ Đoóng để làm nơi thờ phật và thờ thánh mẫu.
Ngoài ý nghĩa văn hoá tâm linh, đền Dẻ Đoóng còn mang ý nghĩa lịch sử cách mạng, tại đây đã diễn ra đại hội đại biểu bầu ra Ủy ban nhân dân lâm thời, lễ tuyên bố và chào mừng việc thành lập Chính quyền cách mạng của tỉnh Cao Bằng ngày 15/6/1945. Với giá trị về văn hoá, lịch sử đó, năm 2008, đền Dẻ Đoóng đã được UBND tỉnh Cao Bằng xếp hạng và công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Năm 2024 là năm thứ 15 lễ hội đền Dẻ Đoóng được khôi phục tạo được ấn tượng và đi vào tiềm thức của mỗi người dân trong xã và du khách gần xa. Lưu truyền ngôi đền gần 600 năm với nhiều câu chuyện đi vào tiềm thức nhân dân, cùng với sự tò mò du khách muốn khám phá, chiêm ngưỡng, lễ bái, năm nay hàng nghìn du khách “đội mưa” tham gia lễ hội cầu cho nhân dân no ấm.
Ngay sau hồi trống khai mạc lễ hội của Ban tổ chức là phần văn nghệ, với các thể loại ca, múa, nhạc, ngâm thơ, sli lượn… Sau đó, Ban tổ chức đã dâng hương, dâng lễ tại đền Dẻ Đoóng để cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cầu cho mọi người dồi dào sức khoẻ, nhà nhà ấm êm, thuận hòa hạnh phúc, bước vào một năm thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh.
Đền nổi tiếng linh thiêng nên hàng tháng cứ vào ngày mùng 01 và 15 âm lịch người dân thường đến đây thắp hương xin lộc, cầu may. Lễ hội đền Dẻ Đoóng năm nay tổ chức hoạt động thể thao, vui chơi như tung còn, kéo co, đẩy gậy, cờ tướng, bóng đá, bóng chuyền,... do vận động viên của các xóm tham gia. Năm nay thời tiết thuận lợi nên ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách đã về dự hội.