Hàng loạt người nhập viện, 2 người tử vong do ăn tiết canh

Huy Hùng| 07/07/2015 12:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ trong vòng 3 ngày Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 5 ca nhiễm liên cầu lợn, 2 trường hợp trong số đó đã tử vong. Trong tất cả các nạn nhân thì có 3 người đã sử dụng tiết canh trước đó.

Theo thông tin từ BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, chỉ trong 3 ngày cuối tuần bệnh viện đã tiếp nhân 5 trường hợp nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, sốc nhiễm trùng nặng, suy hô hấp, suy đa tạng, hôn mê và bị hoại tử các đầu chi nặng nề.

Cụ thể 3 bệnh nhân đến từ Thái Bình, Nam Hà nhập viện trong tình trạng bị nhiễm trùng máu do liên cầu lợn nhưng đã may mắn được điều trị qua được giai đoạn nguy hiểm và đang hồi phục. Tuy nhiên có trường hợp của anh Bùi Xuân H (55 tuổi, Hòa Bình) và Trịnh Văn T. (40 tuổi, Ninh Bình) sau khi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, sốc nhiễm trùng đã tử vong sau đó vì diễn biến quá nặng.

Hàng loạt người nhập viện, 2 người tử vong do ăn tiết canh

Nhiều người tử vong do ăn phải tiết canh nhiểm khuẩn (ảnh minh hoạ)

Trước đó 3 tuần, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhập viện do ăn tiết canh lợn và có 5 người tử vong.Theo bác sĩ Cấp, bình thường một tháng bệnh viện tiếp nhận rải rác 4-5 ca, tuy nhiên cuối tuần vừa qua có sự gia tăng đột biến khi có đến 5 bệnh nhân nhập viện, 2 ca tử vong. Có thể do thời tiết nắng nóng là tác nhân khiến bệnh gia tăng.

Trong thời gian vừa qua, nước ta liên tục ghi nhận các trường hợp mắc liên cầu lợn ở người có liên quan đến ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín như: tiết canh, thịt và phủ tạng của lợn chưa được nấu chín. Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
 
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…).

- Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.  

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

- Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt người nhập viện, 2 người tử vong do ăn tiết canh