Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm ha sen của nông dân Thừa Thiên - Huế chết khô chưa rõ nguyên nhân, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Phong Điền.
Theo thống kê của UBND huyện Phong Điền, toàn huyện hiện có trên 317 ha sen được trồng tại 15 xã, thị trấn. Tính đến thời điểm này, đã có hơn 100 ha sen bị chết, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng. Trong đó, diện tích sen chết tập trung nhiều nhất là xã Phong Sơn 51 ha, Phong Hiền với gần 40 ha…
Được biết, từ đầu năm đến nay, xã Phong Hiền đã gieo trồng hơn 62 ha sen. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hai phần ba số sen đã chết khiến nhiều hộ trồng sen trên địa bàn xã rất lo lắng trước nguy cơ trắng tay bởi sen chết bất thường trên diện rộng.
Ảnh minh họa
Xác định nguyên nhân ban đầu là do thời tiết nắng nóng gay gắt, ô nhiễm môi trường sống và sen chết còn có thể do bệnh thán thư. Hiện, UBND xã đã báo cáo ngành chức năng lấy mẫu để xét nghiệm nhằm sớm xác định nguyên nhân, kịp thời khuyến cáo cho người trồng.
Tỉnh cũng đang phối hợp với Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế tiến hành nghiên cứu, xử lý bệnh, xây dựng quy trình phòng trừ bệnh tổng hợp. Đồng thời, điều tra, khảo sát, xác định để quy hoạch lại vùng trồng sen Huế, vùng trồng sen cao sản cho phù hợp.
Những năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở Thừa Thiên - Huế đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, đồng thời tận dụng các ao, hồ, đầm trồng sen kết hợp với nuôi cá, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, Thừa Thiên - Huế có hơn 500 ha diện tích trồng sen đang vào mùa thu hoạch. Với giá hạt sen chưa bóc vỏ từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg, trung bình một ha trồng sen cho thu nhập khoảng 50 - 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao gấp 4 - 6 lần so với trồng lúa.