Ký sự pháp đình

Hàng loạt cựu cán bộ ngân hàng ở Hưng Yên vướng lao lý 

Mạnh Hùng 12/04/2023 - 06:53

TAND cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý và sẽ đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm vào thời gian tới với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại một ngân hàng có chi nhánh ở huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên).

Theo cáo trạng, với động cơ mục đích chiếm đoạt tài sản, trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến hết tháng 3/2021 tại Ngân hàng Agribank - Chi nhánh huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên), bị cáo Việt lạm dụng vị trí công tác là cán bộ tín dụng thẩm định, theo dõi địa bàn và quản lý vay, là người được quyền truy cập vào hệ thống IPCAS lấy thông tin số hợp đồng LAV trên hệ thống và sự tin tưởng của lãnh đạo, đồng nghiệp trong ngân hàng.

Bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối và lợi dụng sự tin tưởng của lãnh đạo và đồng nghiệp để chiếm đoạt số tiền hơn 55 tỉ đồng của Ngân hàng Agribank – chi nhánh huyện Ân Thi và 723 triệu đồng 9 khách hàng/11 hồ sơ.

HĐXX nhận định bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự nên nhận thức được hành vi lạm dụng vị trí công tác và lợi dụng sự lơ là mất cảnh giác, sự tin tưởng của lãnh đạo, đồng nghiệp trong cơ quan và của 9 khách hàng để chiếm đoạt tài sản là trái pháp luật, nhưng vì muốn có tiền chi tiêu cá nhân, bị cáo vẫn cố ý thực hiện.

Trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến hết tháng 3/2021, các bị cáo Nguyễn Trung Hắc, Phạm Như Sở, Trần Đông Nam, Trịnh Mai Phương Thảo, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Quốc Văn, Nguyễn Thị Thúy Diệp, Nguyễn Thị Huyền Trang, Võ Ngọc Ánh, Nguyễn Thị Thanh Hòa và Lê Thị Kiều Linh trong thời gian làm việc cùng với bị cáo Việt, các bị cáo đã không làm tròn nhiệm vụ được giao.

Các bị cáo Ánh, Hà, Văn, Sở: Khi bị cáo Việt trình hồ sơ để các bị cáo thẩm định và phê duyệt, các bị cáo chủ quan, chỉ thẩm định hồ sơ giấy đã lưu và kiểm tra trên hệ thống máy tính. Sau khi nguồn vốn được giải ngân, các bị cáo đã không thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, không thực hiện đầy đủ và đúng công tác kiểm tra, giám sát các khoản vay đã được giải ngân để bảo toàn nguồn vốn của ngân hàng.

Bị cáo Hắc, Thuấn chỉ căn cứ trên hồ sơ giấy đã có đầy đủ chữ ký của các bộ phận, đối chiếu với các thông tin dữ liệu khách hàng trên hệ thống IPCAS thấy khớp thì ký phê duyệt, mà không chỉ đạo người kiểm tra, thẩm định về nhu cầu vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay và tình hình tài chính của khách hàng trước khi ký. Sau giải ngân không thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của khách hàng.

Khi tiến hành hạch toán giao dịch rút tiền mặt từ tài khoản, khách hàng phải đến trực tiếp quầy giao dịch, xuất trình giấy tờ tùy thân, giao dịch viên lập chứng từ, yêu cầu khách hàng ký xác nhận chứng từ, tiến hành kiểm tra, đối chiếu giấy tờ tùy thân và đặc điểm nhận dạng của khách hàng đến giao dịch; chữ ký mẫu, ảnh (nếu có) của khách hàng với thông tin dữ liệu quản lý tại đơn vị hoặc trên IPCAS đảm bảo khớp đúng theo quy định của Agribank Việt Nam.

Kiểm tra đảm bảo xác thực đúng khách hàng, số dư tài khoản đủ đảm bảo cho phạm vi giao dịch, giao dịch viên thực hiện hạch toán và chuyển giấy rút tiền cho kiểm soát viên kiểm tra, kiểm soát đảm bảo tính hợp lệ, khớp đúng thông tin trên giấy rút tiền và thông tin đăng nhập trên hệ thống, khi khớp đúng kiểm soát viên đã ký phê duyệt hạch toán trên hệ thống và giấy rút tiền để giao lại giấy rút tiền cho giao dịch viên thực hiện chi tiền cho khách hàng.

Nhưng bị cáo Thảo, Nam, Trang, Điệp, Linh, Hòa khi thực hiện giao dịch đã tin tưởng bị cáo Việt được khách hàng nhờ lấy tiền hộ nên đã thực hiện giao dịch rồi đưa tiền cho Việt, hoặc chuyển tiền cho bên thứ ba theo yêu cầu của Việt, mà không yêu cầu khách hàng phải có mặt trực tiếp để rút tiền, cũng như đối chiếu giấy tờ tùy thân, chữ ký của khách hàng.

Những sai phạm trên của các bị cáo đã tạo điều kiện cho Việt lợi dụng phạm tội, dẫn đến gây thiệt hại về tài sản cho ngân hàng và 9 khách hàng.

Về tính chất của hành vi phạm tội, vị trí vai trò của các bị cáo, HĐXX nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến sự hoạt động đúng đắn của ngân hàng, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ; làm mất trật tự trị an xã hội; gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân; làm ảnh hưởng đến uy tín hoạt động kinh doanh của ngân hàng, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và cá nhân.

Mặt khác, việc lạm dụng chức vụ quyền hạn, giả mạo chữ ký để chiếm đoạt tiền của bị cáo Việt đã gây bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng và gây dư luận xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Vì vậy, khi quyết định hình phạt HĐXX cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân vai trò, vị trí của từng bị cáo và mức độ thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra để tuyên phạt mỗi bị cáo một hình phạt tương xứng.

Theo đó, các bị cáo đều phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ, quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Quá trình công tác, các bị cáo Ngô Đức Việt, Võ Ngọc Ánh, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Quốc Văn, Phạm Như sở, Nguyễn Trung Hắc, Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Thị Huyền Trang và Nguyễn Thị Thanh Hòa có nhiều thành tích xuất sắc trong phòng trao công nhân viên chức, lao động và hoạt động công đoàn, được ngân hàng tặng thưởng nhiều giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Các bị cáo Trịnh Mai Phương Thảo, Trần Đông Nam, Nguyễn Thị Thúy Diệp và Lê Thị Kiều Linh nhiều năm được tặng thưởng danh hiệu Lao động tiên tiến.

Mặc dù gián tiếp gây thiệt hại nhưng các bị cáo Nguyễn Trung Hắc; Võ Ngọc Ánh, Phạm Như Sở, Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Mạnh Hà, Lê Thị Kiều Linh, Nguyễn Thị Thanh Hòa, Nguyễn Quốc Văn, Trần Đông Nam, Nguyễn Thị Thúy Diệp, Trịnh Mai Phương Thảo và Nguyễn Thị Huyền Trang đã ý thức tự nguyện khắc phục một phần hậu quả, nên các bị cáo này được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Riêng bị cáo Ngô Đức Việt tự nguyện đến Cơ quan điều tra tự thú về hành vi phạm tội, nên bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Xét về lỗi gây ra thiệt hại, lỗi do bị cáo Ngô Đức Việt là chính, đồng thời bị cáo Việt là người chiếm đoạt và sử dụng toàn bộ số tiền từ hành vi phạm tội, các bị cáo còn lại chỉ là lỗi vô ý đã giúp sức cho bị cáo Việt và không được hưởng lợi gì. Do vậy, bị cáo Việt phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại mà bị cáo gây ra cho những người bị hại. Nay Ngân hàng và 9 người bị hại yêu cầu bị cáo Việt phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là có căn cứ được chấp nhận.

Theo đó, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Hưng Yên đã tuyên phạt bị cáo: Ngô Đức Việt mức án tù chung thân về tội tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Cùng phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, các bị cáo: Nguyễn Trung Hắc bị tuyên phạt 3 năm 9 tháng tù; Phạm Như Sở bị tuyên phạt 3 năm 3 tháng tù; Trần Đông Nam bị tuyên phạt 3 năm tù (treo); Trịnh Mai Phương Thảo bị tuyên phạt 3 năm tù; Nguyễn Mạnh Hà bị tuyên phạt 3 năm tù (treo); Nguyễn Văn Thuấn bị tuyên phạt 3 năm tù (treo); Nguyễn Quốc Văn bị tuyên phạt 3 năm tù (treo); Nguyễn Thị Thúy Diệp bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù (treo); Nguyễn Thị Huyền Trang bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù (treo); Võ Ngọc Ánh bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng (treo); Nguyễn Thị Thanh Hòa bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù (treo); Lê Thị Kiều Linh bị tuyên phạt 1 năm 3 tháng cải tạo không giam giữ.

Tuy nhiên, sau bản án sơ thẩm các bị cáo: Ngô Đức Việt, Nguyễn Trung Hắc và Phạm Như Sở đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt cựu cán bộ ngân hàng ở Hưng Yên vướng lao lý