Ngày 21/11, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Bình Định đã tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia với hai tượng sư tử thành Đồ Bàn.
Hai tượng sư tử đá có niên đại từ cuối thế kỷ XI
Ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định cho biết, hai tượng sư tử thành Đồ Bàn được làm từ đá silics hạt mịn, màu nâu xám nhạt.
Tượng sư tử 1 cao 107cm, dài 112cm và rộng 58cm. Tượng sư tử 2 cao 105cm, dài 120cm, rộng 60cm. Cả 2 đều có niên đại từ cuối thế kỷ XI.
Hai tượng sư tử đá được phát hiện năm 1992, tại khu vực Bả Canh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, gần tháp Cánh Tiên, thuộc phạm vi thành Đồ Bàn.
Năm 1999, những pho tượng này được đưa về trưng bày trong không gian văn hoá Champa ở Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Sư tử được coi là một trong mười kiếp hóa thân của thần Visnu (một trong ba vị thần tối cao của Ẩn độ giáo).
Đối với người Chăm, hình tượng sư tử còn là biểu tượng của dòng dõi quý tộc của các vương triều Champa. Hai tượng sư tử được tạc trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi. Đầu sư tử ngẩng cao, trán đeo vương miện được trang trí bởi chuỗi hạt tròn kết dải và các họa tiết giống hình cánh sen. Hai mắt to, tròn lồi. Đôi tai vểnh được tạc cách điệu gần giống chiếc lá nhọn đầu, mũi to, thô.
Phần miệng há to, lộ hàm răng sắc nhọn, răng nanh hai bên chìa ra ngoài. Cổ ngắn, đeo vòng lục lạc kết hợp với tua đính. Bốn chân sư tử ngắn, mập, cổ chân trang trí hạt chuỗi tròn kết dải.
Hai tượng sư tử được diễn tả khá độc đáo về hình khối trong phong cách thể hiện. Về phong cách nghệ thuật, hai tượng sư tử thành Đồ Bàn thể hiện tính chất hiện thực, trang trí đơn giản, phần môi trên có những đường gờ nổi chạy dọc song song tương đồng với sư tử phong cách Trà Kiệu.
“Phần miệng sư tử xuất hiện chiếc răng nanh giống như tượng sư tử và Makara trong phong cách Tháp Mẫm. Hai tượng sư tử thành Đồ Bàn được xem là những tượng sớm nhất thuộc phong cách Tháp Mẫm và có tạo hình tư thế độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử của Champa”, ông Tạ Xuân Chánh nói.
Bình Định sở hữu 13 bảo vật quốc gia “độc bản, quý hiếm”
Theo Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định, từ năm 2015 - 2024, tỉnh này có 13 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận. Tất cả đều là những tác phẩm điêu khắc đá Champa.
Trong đó, Bảo tàng tỉnh Bình Định đang lưu giữ 8 bảo vật, gồm: phù điêu nữ thần Mahisha Sura Mardini, niên đại đầu thế kỷ 12; phù điêu thần Brahma, niên đại cuối thế kỷ 12; cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn, niên đại thế kỷ 12 - 14; phù điêu nữ thần Sarasvati, niên đại đầu thế kỷ 12; phù điêu thần hộ pháp Mả Chùa, niên đại thế kỷ 12; hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 12. Còn 5 bảo vật quốc gia khác đang lưu giữ ở các địa phương trong tỉnh Bình Định.
Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định cho hay, cả 13 bảo vật quốc gia trên là những hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, hình thức độc đáo, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa, lịch sử liên quan đến văn hóa Champa trên vùng đất Bình Định.
“Đây không chỉ là tư liệu khoa học quan trọng đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo của dân tộc”, ông Tạ Xuân Chánh nói.
Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này có chiều dài lịch sử với những trầm tích văn hóa đa dạng và đặc sắc.
Đến nay, Bình Định có 150 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia và 114 di tích cấp tỉnh cùng với hàng nghìn cổ vật đang được Bảo tàng tỉnh Bình Định, Bảo tàng Quang Trung và các tổ chức, cá nhân lưu giữ.
Trong kho tàng văn hóa Champa, Bình Định sở hữu nhiều đền, tháp với kiến trúc nghệ thuật độc đáo và nhiều hiện vật quý. Đến nay, Bình Định có 13 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá thời kỳ Champa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
“Đây là di sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của cả nước và của tỉnh Bình Định, nguồn sử liệu quý đối với công tác nghiên cứu, sưu tầm lịch sử, văn hóa Bình Định”, ông Lâm Hải Giang nhận định.