Hải quan ngăn chặn tệ phiền hà, sách nhiễu

Đỗ Huyền| 17/12/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng cục Hải quan vừa Quyết định 3749/QĐ-TCHQ ngày 15/12/2014, nhằm ngăn chặn, khắc phục tệ phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, góp phần xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa.

Sửa Tuyên ngôn phục vụ khách hàng

Tại Quyết định 3749/QĐ-TCHQ, Tổng cục Hải quan đã đưa ra nhưng giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Một là quan tâm đến phát triển quan hệ đối tác với doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trang thiết bị giám sát, kiểm soát chống buôn lậu, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm, đo sự hài lòng của khách hàng, giải quyết đơn thư khiếu nại…

Kế hoạch phòng chống tệ phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng năm 2015 của Tổng cục Hải quan nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công chức hải quan, thực hiện nghiêm chức trách, nhiệm vụ của cá nhân và người đứng đầu hải quan các cấp, nhằm xây dựng hải quan trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Trong đó, Tổng cục trưởng yêu cầu sửa đổi Tuyên ngôn phục vụ khách hàng, theo đó quy định rõ thời gian làm thủ tục hải quan của công chức hải quan, cụ thể: đăng ký tờ khai không quá 5 phút, kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ, kiểm tra thực tế hàng hóa không quá 8 giờ, giám sát cổng cảng không quá 3 phút.

Hai là, thực hiện lắp ráp camera tại các địa bàn có lưu lượng hàng hóa XNK lớn để công khai hóa quy trình thủ tục hải quan, thái độ ứng xử, phòng chống tiêu cực của cán bộ, công chức hải quan. Nếu không đưa trang thiết bị giám sát vào sử dụng dẫn đến tiêu cực thì người đứng đầu đơn vị, hoặc cấp phó của người đứng đầu phải liên đới chịu trách nhiệm nếu đơn vị để xảy ra sai phạm.

Hải quan ngăn chặn tệ phiền hà, sách nhiễu

Doanh nghiệp hy vọng vào những thay đổi tích cực của ngành Hải quan

Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng coi trọng công tác kỷ cương, kỷ luật nội ngành. Cụ thể trong năm 2015 ngành sẽ tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, tập trung vào việc kiểm tra để công chức hải quan không được yêu cầu người dân và DN nộp thêm giấy tờ và thu bất kỳ loại lệ phí nào ngoài quy định. Trong việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật, xử lý vi phạm nội ngành, Quyết định 3749/QĐ-TCHQ  yêu cầu mạnh mẽ: “Nếu đơn vị, địa bàn nào để xảy ra đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn, nghiêm trọng, DN phản ánh có hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu của CBCC hải quan thì chi cục trưởng phải chịu trách nhiệm. Đưa ra khỏi ngành cán bộ, công chức nào bị cơ quan chức năng và truyền thông bắt quả tang vi phạm, hoặc qua thanh tra kiểm tra nội bộ phát hiện có vi phạm tham nhũng…”.

Bệnh sách nhiễu kinh niên

Những biện pháp trên đây được coi là mạnh tay để khắc phục bệnh sách nhiễu kinh niên của ngành Hải quan.

Báo chí đã phản ánh, khi được hỏi về việc có hay không tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong lĩnh vực hải quan, một đại lý khai thuế hải quan tại cảng Cái Lái, TPHCM cho rằng mặc dù Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có nhiều giải pháp chống nhũng nhiễu, tiêu cực nhưng tình hình thực tế vẫn không mấy cải thiện. Để thông quan, doanh nghiệp phải đi qua rất nhiều cửa, từ bộ phận tiếp nhận tờ khai, đến thuế, kiểm hóa, đến đâu cũng phải “chi tiền”, đại lý này cho biết.

Về lý do phải đưa tiền, theo đại lý này, những doanh nghiệp khai sai mã hàng để hòng giảm thuế thì tiêu cực là đương nhiên!? Còn bình thường, khi doanh nghiệp khai sai mã hàng, cũng có cán bộ hải quan yêu cầu doanh nghiệp đưa về đúng mã mặt hàng đó, nhưng số khác lại “bắt tay” với doanh nghiệp để chia chác phần chênh lệch thuế.

Chẳng hạn: Lô hàng trị giá 10 tỷ đồng, doanh nghiệp khai sai để giảm xuống còn 5 tỷ đồng và đóng thuế 10%; số tiền chênh lệch thuế này được chia cho doanh nghiệp 2 phần, cán bộ hải quan 1 phần.

Báo cáo thường niên của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối năm 2013 cho biết, cán bộ Hải quan vẫn được trả phí bôi trơn để giải quyết nhanh chóng hoặc bỏ qua các thủ tục thông quan áp dụng với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Cán bộ Hải quan nhận hối lộ để làm ngơ trước hoạt động buôn lậu, hàng cấm hoặc khai báo sai khối lượng và chủng loại hàng hóa đi qua địa bàn của họ.

Báo cáo cho biết "Có những áp lực trực tiếp hoặc áp lực thông qua các đại lý hải quan, trung gian để chi trả các chi phí bôi trơn nhỏ và mang tính hệ thống để thông quan các chuyên hàng". Tháng 10/2013 VBF đã thực hiện một cuộc khảo sát DN tại Việt Nam để biết tham nhũng ảnh hưởng thế nào đến họ mỗi ngày và nghe những đề xuất cải thiện. Những người tham gia xác định 3 lĩnh vực mà Chính phủ cần ưu tiên chống tham nhũng, xếp đầu tiên là Hải quan với 55,2% tiếp đó là đến thuế 46,2% và quản lý đất đai 39,8%.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2012, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học "Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, DN và cán bộ, công chức, viên chức". Kết quả khảo sát cho thấy, Hải quan thuộc 1 trong 4 ngành tham nhũng phổ biến nhất.

Ngày 31/10/2013 tại Hội thảo "Tăng cường sự tham gia của DN, hướng tới thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam" do Thanh tra Chính phủ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức, đại diện Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra thông tin, có tới 63% DN trả các khoản phí không chính thức nhằm tạo ra cơ chế ngầm để được giải quyết công việc nhanh chóng hơn. Trong đó Hải quan và Thuế là 2 ngành được DN hối lộ nhiều nhất.

Trên thực tế, thời gian qua có hàng trăm cán bộ ngành Hải quan đã bị xử lý vì liên quan đến tham nhũng và hối lộ.

Từ năm 2006 đến 5/2012, có 24 cán bộ công chức Hải quan bị xem xét trách nhiệm hình sự về tiêu cực, tham nhũng, trong đó phần lớn là do các cơ quan báo chí hoặc các cơ quan chức năng ngoài ngành Hải quan phát hiện. Bên cạnh đó, 5 năm qua đã có 295 cán bộ Hải quan bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo cho đến thôi việc, do nhiều nguyên nhân trong đó có cả tiêu cực.

Trong buổi làm việc với ngành Thuế và Hải quan hồi tháng 7 vừa qua, ngoài việc chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý, Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng cho rằng, một bộ phận cán bộ những ngành này còn nhũng nhiễu, tiêu cực nên cần kiên quyết đưa số này ra khỏi ngành, không để “con sâu làm rầu nồi canh”. Do đó, Quyết định 3749/QĐ-TCHQ ngày 15/12/2014 là cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. DN có quyền hy vọng vào những thay đổi theo chiều hướng minh bạch, tích cực của ngành Hải quan trong năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải quan ngăn chặn tệ phiền hà, sách nhiễu