Hải Phòng: Thông tin tiếp về vụ sập nhà văn hóa, 9 người bị thương

Vũ Ba - Phạm Lưỡng| 06/04/2016 21:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như thông tin báo chí đã phản ánh, vào hồi 10 giờ ngày 4/4/2014 trên địa bàn thôn Hà Phương, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng đã xảy ra vụ sập công trình xây dựng nhà Văn hóa làm 9 người lao động bị thương.

Công trình này do UBND xã Vĩnh Long làm chủ đầu tư. Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 79 có trụ sở tại Hải Phòng (Cty 79) là nhà thầu thực hiện việc thi công bắt đầu từ tháng 9 năm 2015 dự định sẽ hoàn thành vào quý 3 năm 2016, có tổng số vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng. Công trình có diện tích 250 m2 và đang thực hiện ở giai đoạn đổ bê tông mái. Khi xảy ra tai nạn có 11 người lao động đang làm việc tại công trình, trong đó 9 người làm việc trực tiếp trên mái, khi mái sập đã làm 9 người này bị thương, thiệt hại tài sản ước tình hàng trăm triệu đồng, rất may không có thiệt hại về người.

Theo ông Trần Công Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Long, ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND xã và Cty 79 đã lập tức đưa công nhân sơ cấp cứu tại Bệnh viện địa phương, sau đó chuyển đến Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng điều trị. Ông Chinh cũng cho biết thêm, nguyên nhân vụ sập là do thời điểm này thời tiết mưa ẩm, chân cột chống mái sụt lún làm sập mái. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Hải Phòng: Thông tin tiếp về vụ sập nhà văn hóa, 9 người bị thương

Hiện trường Nhà văn hóa xã bị sập mái

Qua sự việc trên, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với  Kỹ sư xây dựng Nguyễn Thành Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến Trúc Nhà Việt tại Hải Phòng được biết: Bất cứ một nhà thầu xây dựng nào, khi bắt đầu thi công xây dựng phải chú ý đến kết cấu nền móng, công trình có vững chắc hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc xử lý móng nền và hệ thống cột chịu lực của công trình. Việc sập mái nhà văn hóa nêu trên là một sự cố đáng tiếc. Tuy nhiên, từ sự cố này cho thấy một thực tế đáng báo động về sự non yếu của các nhà thầu thi công xây dựng trong việc lập quy trình thi công, thẩm định bản vẽ thiết kế, kiểm tra, khảo sát địa chất cũng như kỹ thuật xây dựng.

Việc chân cột tại công trình trên bị sụt lún có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn là việc yếu kém trong xử lý nền móng, cũng có thể do thiết kế kết cấu chân cột không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng. Công trình này có vốn đầu tư lên đến gần 6 tỷ đồng thì dự toán kinh tế cho việc thẩm định kết cấu, địa chất cũng là một chi phí đáng kể và việc làm này không thể thiếu sót đối với một công trình quan trọng như vậy. Do đó, việc để xảy ra sự cố như trên là hậu quả của quá trình thi công vô trách nhiệm và sự lỏng lẻo trong quản lý của chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, qua vụ việc trên cho thấy sự bất ổn về vấn để an toàn lao động. Theo ghi nhận của phóng viên thì tất cả các công nhân làm việc tại vụ sập trên không hề được trang bị một thiết bị an toàn đáng kể nào. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật an toàn vệ sinh lao động thì người làm việc tại các công trình xây dựng phải có mũ bảo hiểm, kính mắt, quần áo bảo hộ lao động, với người làm việc trên độ cao từ 2,5 mét trở lên phải có dây đai an toàn.

Cũng phải nói rằng, khi xây dựng công trình tại các địa phương hầu hết các nhà thầu thường tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi tại chỗ nhằm giảm chi phí về nên không được đào tạo chuyên môn cũng như an toàn lao động.

Thực tế cho thấy, mặc dù nhà nước đã có cơ chế xử lý đối với các hành vi vi phạm về an toàn lao động nhưng có lẽ chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên chưa đủ răn đe và những sự cố đáng tiếc như trên vẫn xảy ra. Thiết nghĩ, nhà nước cần có các chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến các đơn vị nhà thầu thi công xây dựng, cũng như đội ngũ công nhân làm việc trong lĩnh vực này về an toàn vệ sinh lao động để họ hiểu và thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Thông tin tiếp về vụ sập nhà văn hóa, 9 người bị thương