Một làn sóng phản ứng dữ dội của phụ huynh về cách ra đề thi đã xảy ra ở TP. Hải Phòng, sau khi Sở GD-ĐT thành phố công bố đáp án môn thi Ngữ văn vào lớp 10 khối công lập.
Theo Sở GD-ĐT Hải Phòng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khối công lập năm học 2016 - 2017 của thành phố sẽ lấy 14.467 học sinh. Cũng như những năm trước, kỳ thi năm nay thực hiện kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 gây tranh cãi ở Hải Phòng. Ảnh: GĐ&XH
Đề thi “đánh đố”!?
Trước khi Sở GD-ĐT Hải Phòng công bố đáp án môn Ngữ văn vào sáng 17/6, đã có khá nhiều thông tin cho rằng, đề thi năm nay “đánh đố” học sinh (?).
Bản thân người viết cũng nhận được phản ánh của chị H., chủ shop quần áo ở Ngọc Lâm (Long Biên , Hà Nội), người Hải Phòng, về vấn đề này. Chị H. cho biết: “Về quê chơi, thấy nhiều bố mẹ kêu quá. Hỏi mấy đứa cháu vừa thi vào 10 năm nay cũng kêu. Sang năm, con anh trai tôi thi mà không biết thế nào”, chị lo lắng chia sẻ.
Theo dõi đề thi môn Ngữ văn nói trên, phần thi có 2 phần Đọc - Hiểu và Làm văn. Cụ thể, phần Đọc - Hiểu gồm 7 câu, phần Làm văn gồm 2 câu.
Tuy nhiên, “sau khi cán bộ giám thị phát đề thi được ít phút, cháu khá lo lắng vì nhận thấy so với thời gian thực hiện, đề thi hơi dài”, một số phụ huynh kể lại.
Bên cạnh đó, hầu như các thí sinh lúng túng với câu số 6 mục Đọc - Hiểu. Câu hỏi trích đoạn văn bản (đoạn thoại) trong tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố giữa bà lão láng giềng với chị Dậu: “Về mặt cấu tạo ngữ pháp, câu Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn là câu đơn hay câu ghép? Hãy phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu đó”.
Tranh cãi về nghiệp vụ giảng dạy
Được biết, tỉ lệ chọn đáp án câu ghép, câu đơn giữa các thí sinh dường như ngang bằng nhau đối với câu hỏi trên. Vậy là, một cuộc chiến bảo vệ đáp án của mình cũng bắt đầu bùng nổ khi trong cuối buổi sáng môn thi Ngữ văn, trên trang điện tử tuyensinh247.com tung ra đáp án của câu 6 là “câu đơn”.
Trang tuyensinh247.com phân tích câu trúc ngữ pháp chỉ ra, câu này chỉ có một chủ ngữ là Người; còn lại là các vị ngữ: Ốm rề rề như thế (vế 1), nếu lại phải một trận đòn (V2), nuôi mấy tháng cho hoàn hồn (V3).
Những thí sinh chọn đáp án câu ghép cho rằng, đáp án câu đơn là không thuyết phục. Theo những em này, vế thứ 2 đã được rút gọn chủ ngữ. Vì thế, khi phân tích cấu trúc câu hỏi, phải xác định: Người (CN 1) /ốm rề rề như thế (VN 1), nếu (Rút gọn CN) / lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn” (VN 2).
Bản thân các giáo viên dạy Ngữ văn cũng nổ ra tranh cãi về nghiệp vụ giảng dạy. Nhiều thầy cô chọn đáp án “câu ghép” lý giải, việc tác giả dùng từ “nếu” để rút gọn chủ ngữ trong câu trên nhằm tránh lặp từ, làm cho câu hay hơn, giàu tình cảm hơn. Còn giải thích lý do chọn đáp án “câu đơn”, một số giáo viên cho biết, câu này chỉ có 1 chủ ngữ và 3 vị ngữ.
Và theo quy luật, khi được chứng kiến phần tranh cãi của các giáo viên Ngữ văn, thí sinh hoang mang, dẫn đến phụ huynh cũng hoang mang là điều không khó hiểu.
Đáp án…trái chiều, phụ huynh dọa...kiện!
Đến sáng 17/6, khi Sở GD-ĐT Hải Phòng công bố đáp án chính thức của câu hỏi 6 mục Đọc - Hiểu kể trên, thì xác định câu “Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn” là câu ghép. Cấu tạo ngữ pháp được phân tích theo 3 phương án với các vế chủ ngữ - vị ngữ (CN-VN); CN1-VN1, CN2-VN2…
Hướng dẫn chấm thi. Ảnh: Thanh tra
Cùng với sự chán nản của học sinh, sự tiếc nuối của các giáo viên cho những em đã chọn đáp án câu đơn, thì đáp án vừa được công bố lại khiến các phụ huynh "phẫn nộ", gây ra một sóng phản ứng dữ dội về cách ra đề của Sở GD-ĐT Hải Phòng.
Thậm chí, trên báo Thanh tra, một phụ huynh bức xúc nói: “Tại sao người ra đề lại không bám vào chương trình? Tại sao 1 câu hỏi mà phải hỏi 4 giáo sư trên Bộ, 3 giáo sư chọn câu ghép, 1 giáo sư chọn câu đơn... Không thể ra đề như thế được!”.
Còn một phụ huynh khác thì cho rằng, cần “làm đơn kiến nghị” lên Sở GD-ĐT Hải Phòng. “Không thể để nhiều học sinh "chết oan" vì cách ra đề như vậy”, phụ huynh này tuyên bố.