Trước diễn biến tình hình của bão số 2, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận và Thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương chủ động triển các biện pháp ứng phó.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, sáng nay 22/7, bão số 2 đã đi vào khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h.
Trong hôm nay, bão số 2 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc với vận tốc từ 10-15km/h và đi vào Vịnh Bắc bộ. Sáng sớm mai 23/7, bão số 2 sẽ nằm trọn trên vùng biển Vịnh Bắc bộ với cường độ cấp 8, giật cấp 10.
Sau khi di chuyển vào Vịnh Bắc bộ, bão số 2 vẫn giữ nguyên hướng Tây Bắc, tốc độ chậm lại từ 5-10km/h, suy yếu dần và đi sâu vào đất liền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) khi đang ở cường độ cấp 6, giật cấp 8.
Trước diễn biến tình hình của bão, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa có Công điện 04/CĐ-CT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, quận/huyện trên địa bàn thành phố khẩn trương triển khao các biện pháp ứng phó với bão.
Công điện yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão, mưa lớn gây ra; tiếp tục, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 1672/UBND-TL ngày 19/7/2024 về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Các cơ quan, đơn vị, quận/huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản; hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn.
Các cơ quan, đơn vị, quận/huyện theo dõi chặt chẽ diến biến của bão; kiểm đếm, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thuỷ sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tầu thuyền; gia cố lồng bè thủy sản; tuyệt đối không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biển và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiên để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Cơ quan Thường trực về phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển; chủ động trao đổi cùng Sở Giao thông vận tải để thông tin, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng hoạt động của cầu vượt biển; chủ động rà soát, thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.
Cơ quan Thường trực về phòng chống thiên tai tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều (nhất là các vị trí xung yếu), khu, cụm công nghiệp, công trình đang thi công (đặc biệt lưu ý các công trình cao tầng), cầu tàu, bến cảng, khu hậu cần dịch vụ cảng, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thuỷ sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, cắt tỉa cây xanh; chủ động các biện pháp tiêu nước trong hệ thống thủy lợi đề phòng ngập úng, bảo vệ cây trồng; rà soát, có phương án đảm bảo tiêu thoát nước đô thị trong trường hợp mưa lớn gây ngập lụt; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, để giảm thiểu thiệt hại; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn…
Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I chỉ đạo, hướng dẫn các tàu, thuyền, phương tiện thủy neo đậu tại các vùng nước do đơn vị quản lý đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến các công trình kết cấu hạ tầng khác khi có sự cố xảy ra.
Thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố chủ động kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống theo địa bàn, lĩnh vực đã được phân công. Thường trực các quận ủy, huyện ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão trên địa bàn quản lý.
Theo báo cáo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn của đơn vị phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản thông báo, hướng dẫn gần 2.000 phương tiện với hơn 5.500 lao động đang hoạt động trên biển, đặc biệt các phương tiện đánh bắt xa bờ nắm chắc diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chỉ huy duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức rà soát, kiểm tra phương án, kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; kiểm tra, gia cố công trình đê điều, thủy lợi; tăng cường kiểm tra đê điều và chủ động xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố có thể phát sinh.
Các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động ứng phó với bão.