Nam bệnh nhân 52 và 60 tuổi, sau khi uống rượu thì lơ mơ, tím tái, hôn mê sâu, được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 4/1, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong dịp Tết Dương lịch 2023, bệnh viện đã ghi nhận gần 20 trường hợp ngộ độc rượu, trong đó, có 2 trường hợp tử vong.
Qua khai thác bệnh sử từ người nhà, hai người đàn ông uống rất nhiều rượu không rõ nguồn gốc. Gia đình không cung cấp bối cảnh uống rượu của nạn nhân.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán hai bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol, tử vong ngoại viện. Ê-kíp ép tim ngoài lồng ngực, thông khí nhân tạo, dùng thuốc vận mạch... nhưng không có kết quả.
Bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu
Bác sĩ Nguyễn Văn Thiện - Khoa Cấp cứu cho biết, các nạn nhân ngộ độc rượu kể trên, một số trường hợp ngộ độc do methanol (cồn công nghiệp) trong rượu, đây là loại rượu bán trôi nổi trên thị trường. Ngộ độc rượu có pha methanol là nặng nề và nguy hiểm hơn rất nhiều so với ngộ độc ethanol.
Trước đó, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cảnh báo về tình trạng ngộ độc rượu gia tăng trong dịp cuối năm. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm khuyến cáo, người dân nên tiết chế, điều độ khi uống rượu, tuyệt đối không sử dụng rượu có pha cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngộ độc rượu là tình trạng một người uống quá nhiều rượu trong thời gian ngắn hoặc uống phải rượu pha cồn công nghiệp có chứa methanol.
Ngộ độc rượu phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống. Vì lượng cồn trong máu tăng cao khiến các bộ phận của não ngừng hoạt động. Cụ thể, sau khi vào dạ dày, hệ tiêu hóa hấp thụ rượu vào máu. Gan hoạt động liên tục, hết công suất để phân hủy rượu, loại bỏ độc tố. Nồng độ cồn trong máu bắt đầu tăng lên đến mức khiến gan quá tải, không thể loại bỏ độc tố đủ nhanh dẫn đến ngộ độc rượu, tác động đến các bộ phận của não kiểm soát các chức năng: Nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ.
Ngộ độc rượu có thể xảy ra khi uống bất kỳ loại rượu nào (rượu vang, rượu gạo,…).
Ngộ độc rượu Methanol (công thức hóa học CH3OH) còn gọi là rượu Methylic, thường dùng trong công nghiệp hóa chất. Một số cơ sở sản xuất rượu gian lận thường sử dụng để sản xuất rượu. Đây là loại cồn rất độc vì đào thải chậm, chuyển hoá oxy hoá thành Formaldehyde và axit Fomic là những chất gây độc đến chức năng hô hấp của tế bào.
Khi bị ngộ độc rượu, người bệnh có nguy cơ cao bị mất ý thức, mất trí nhớ, hạ đường huyết, co giật, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, nôn, mửa liên tục dẫn đến mất nước, co giật, tổn thương não vĩnh viễn, tử vong,… Do đó, người bị ngộ độc rượu cần được cấp cứu ngay lập tức.
Báo cáo của Bộ Y tế, chỉ tính riêng trong tháng 12/2022, cả nước đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 758 người bị ngộ độc và 4 trường hợp tử vong (tăng 5 vụ ngộ độc, tăng 738 người bị ngộ độc và tăng 1 người tử vong so với tháng 11/2022). Tính chung 12 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong. Riêng tại Hà Nội, trong năm 2022, trên địa bàn xảy ra 2 trường hợp ngộ độc methanol; 29 người gặp sự cố về an toàn thực phẩm. Còn tại TP.HCM, trung bình mỗi tháng Khoa Nội tổng quát Bệnh viện Lê Văn Thịnh điều trị cho ít nhất 20 trường hợp phải nhập viện liên quan tới sử dụng rượu bia. |