Trong một bài viết cho nhật báo Aftonbladet, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nêu hai kịch bản về thế giới sau đại dịch COVID-19.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres
Ở bài viết của mình, Tổng Thư ký Guterres nhận định rằng đại dịch COVID-19 đã khắc sâu thêm tình trạng bất bình đẳng trong nội bộ mỗi nước, cũng như giữa các quốc gia. Ông Guterres cũng nêu ra các dự đoán, bao gồm cả kịch bản lạc quan lẫn bi quan.
Cụ thể ở kịch bản thứ nhất, kịch bản lạc quan, có khả năng xảy ra nếu như các nước có thể đối phó được với tình hình hiện nay, xây dựng được kế hoạch phục hồi khả thi và giúp đỡ đủ cho các nước đang phát triển.
Theo ý kiến của Tổng Thư ký Guterres, việc triển khai thành công kịch bản này chỉ khả thi khi xuất hiện loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 hiệu quả và dễ tiếp cận trong vòng 9 tháng tới.
Ở kịch bản bi quan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận định, các quốc gia sẽ không hợp sức được với nhau để đối mặt với đại dịch, tái bùng phát những ổ dịch virus Corona mới, việc điều chế vaccine bị trì hoãn, hoặc chỉ các nước “giàu có” trên thế giới mới có thể tiếp cận được nó.
Tổng Thư ký Guterres viết: “Nếu kịch bản này trở thành sự thật, chúng ta sẽ thấy sự phân biệt đối xử, chủ nghĩa dân túy và bài ngoại phát triển đến thế nào”.
Trong trường hợp hậu đại dịch COVID-19 diễn ra theo một kịch bản bi quan, ông Guterres cho rằng hậu quả sẽ là tình trạng suy thoái toàn cầu kéo dài từ 5-7 năm.
Tổng Thư ký Guterres nhận định, hiện tại rất khó để biết được thế giới sẽ diễn biến theo hướng nào. Tuy nhiên theo ông, cần phải làm tất cả để phấn đấu cho kịch bản thứ nhất (kịch bản lạc quan), cũng như sẵn sàng đối phó với kịch bản thứ hai (kịch bản bi quan).
Trước đó, nhà tương lai học người Mỹ Peter Schwartz cảnh báo rằng thế giới có thể rơi vào một cuộc đại suy thoái mới trong tình huống xấu nhất về COVID-19. Chuyên gia lưu ý rằng điều quan trọng là tìm ra vaccine ngừa dịch bệnh này, nếu không chúng ta sẽ phải sống trong một "thế giới đại dịch".