Đây là 2 trong số những danh thắng nổi bật của tỉnh Hải Dương được giới thiệu trong chương trình khảo sát, tọa đàm phát triển du lịch dành cho các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương... vào các ngày 28 và 29 vừa qua.
Trong 2 ngày 28 và 29/11/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã phối hợp với lãnh đạo 2 huyện Cẩm Giàng và Thanh Miện tổ chức chương trình khảo sát, tọa đàm quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh nhằm và các làng nghề nhằm phát triển du lịch tỉnh Hải Dương.
Tham dự đợt khảo sát có bà Phạm Thị Kim Nhung, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, lãnh đạo các huyện Cẩm Giàng và Thanh Miện, các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương, các hiệp hội du lịch của Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nội, các công ty lữ hành trong và ngoài địa bàn tỉnh.
Hải Dương nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội 57 km về phía tây, cách thành phố Hải Phòng 45km về phía đông, có diện tích tự nhiên 1,664 km2, dân số trên 1,7 triệu người.
Từ Văn Miếu Mao Điền, Chùa Giám, Đền Bia của huyện Cẩm Giàng...
Huyện Cẩm Giàng có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi (quốc lộ 5A và đường sắt Hà Nội-Hải Phòng chạy qua). Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Tây giáp huyện Bình Giang, phía Nam giáp huyện Bình Giang và huyện Gia Lộc, phía Đông giáp huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương cùng tỉnh. Huyện có nhiều danh làm thắng cảnh nổi tiếng như Văn miếu Mao Điền, chùa Giám, đền Bia... Đây đều là những danh thắng và tâm linh hấp dẫn, nhiều tiềm năng cần khai thác để thu hút khách du lịch thập phương.
Văn Miếu Mao Điền
Văn Miếu Mao Điền thuộc địa phận xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; cách thành phố Hà Nội khoảng 42km về phía đông, thành phố Hải Dương khoảng 16km về phía tây. Đây là nơi thờ Khổng Tử và 8 vị Đại khoa Nho học hàng đầu của Việt Nam thời phong kiến: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Vũ Hữu, Nguyễn Thị Duệ, Phạm Sư Mạnh, Tuệ Tĩnh.
Văn Miếu Mao Điền nguyên là Văn miếu và trường thi Hương của trấn Hải Dương xưa do sáp nhập lại mà thành.
Từ năm 2005 cho đến nay, cứ vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch hàng năm, Ban Quản lý Văn miếu Mao Điền tổ chức lễ hội phục vụ nhân dân trong vùng và du khách, trong đó có lễ hội xuân được tổ chức vào tháng 2 (chính hội là ngày 18/2) có quy mô rất lớn với hai phần lễ và hội. Phần lễ bao gồm: tế khai hội; các làng khoa bảng tiêu biểu của tỉnh tế tôn vinh tiến sĩ của làng mình; các tỉnh bạn tế giao lưu; biểu diễn trống hội; Lễ chữ… Phần hội bao gồm: biểu diễn thư pháp, thi đấu cờ tướng, chọi gà, biểu diễn rối nước, chèo thuyền, hát quan họ…
Chùa Giám, tọa lạc ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Tương truyền chùa có vào thời Lý.
Chùa Giám là một kiến trúc cổ đẹp hiếm thấy ở nước ta, có cả tam quan ngoài và tam quan trong. Qua tam quan ngoài một tầng, bốn mái, đi một đoạn tới tam quan trong hai tầng, tám mái, rồi vào sân chùa. Qua sân chùa, tới tòa tiền đường dài 18,9m, rộng 7,6m, gồm 7 gian với trái hạ xối, đao tàu, réo góc.
Báu vật Cửu Phẩm liên hoa ở Chùa Giám
Chùa còn giữ nhiều di tích của thế kỷ XVIII – XIX, như tượng, đồ thờ tự, bia đá và đặc biệt là cây Cửu phẩm Liên Hoa, là một khối hộp gỗ 6 cạnh, 9 tầng, chạm cánh sen với nhiều họa tiết trang trí trên các trụ và tầng nền.
Chùa Giám là nơi tưởng niệm Thiền sư Tuệ Tĩnh, một đại danh y của Việt Nam. Ông là người đứng ra hưng công xây dựng chùa, biến chùa thành cơ sở trồng dược liệu chữa bệnh cho dân. Nhớ ơn công lao đức độ của Thiền sư Tuệ Tĩnh, nhân dân xã Cẩm Sơn đã tạc tượng Ngài, đặt tại nhà Tổ của chùa.
Đền Bia là Ngôi đền ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Di tích lịch sử văn hoá đền Bia nằm trong cụm di tích lịch sử văn hoá Đền Xưa- Đền Bia- Chùa Giám thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương thờ đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh thờ đại danh y Tuệ Tĩnh.
Đến đảo Cò Chi Lăng Nam của huyện Thanh Miện
Nằm giữa lòng hồ An Dương, thuộc địa bàn xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Trong những năm gần đây, đảo Cò Chi Lăng Nam đã trở thành điểm du lịch sinh thái "độc nhất vô nhị" của miền Bắc.
Đảo Cò Nam Chi Lăng
Đảo cò tự nhiên Chi Lăng Nam huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương được phát hiện năm 1994. Đây là một điểm du lịch môi trường sinh thái hấp dẫn. Nằm giữa một vùng hồ bao la sóng nước, đảo Cò nổi lên như một viên ngọc mà thiên nhiên đã ban tặng cho Chi Lăng Nam. Với diện tích 2.382m2, từ lâu đã trở thành nơi trú ngụ của nhiều loại cò vạc khác nhau, cò vạc đến từ khắp nơi. Có chín loại cò khác nhau là cò lửa, cò ruồi, cò bợ, cò đen, cò nghênh, cò diệc, cò trắng, cò ngang, cò hương và ba loại vạc là vạc xám, vạc xanh, vạc đen có nguồn gốc từ Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, Nê Pan, Philippines... Mùa xuân là thời điểm cò về đông nhất có tới vài vạn con cò và hàng nghìn con vạc.
Sau 2 ngày khảo sát thực tế và tọa đàm về các danh thắng tâm linh, các làng nghề... của hai huyện Cẩm Giàng và Thanh Miện, đoàn khảo sát dưới sự chủ trì của bà Phạm Thị Kim Nhung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã đưa ra những ý kiến nhìn nhận, đánh giá xác đáng về tiềm năng, hạn chế cũng như những giải pháp cần làm để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như thu hút ngày càng đông du khách thập phương về thăm quan những địa danh ở nơi đây.
Tại các buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Kim Nhung, Phó giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Trong năm 2017, khách du lịch đến Hải Dương lưu trú ước đạt 3.750.000 lượt, doanh thu đạt 1.780 tỉ đồng. Sáu tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Hải Dương ước đạt 2.000.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 900 tỷ đồng.
Theo bà Nhung, dù đạt được những thành tựu đáng kể nhưng ngành du lịch của tỉnh Hải Dương vẫn chưa khai thác được triệt để tiềm năng và lợi thế so với các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hưng Yên... Hải Dương chưa thật sự trở thành điểm nhấn khiến du khách nghĩ đến khi đi du lịch. Hệ thống dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn còn khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng, các điểm vui chơi vệ tinh để níu chân du khách chưa phát triển, lượng khách quốc tế gần như không có...
Cũng trong các buổi tọa đàm, các nhà báo, phóng viên, các đại biểu đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình và các công ty du lịch lữ hành đều đánh giá Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều nét văn hóa đặc trưng, nhiều điểm du lịch thú vị, hấp dẫn. Tuy nhiên việc khai thác du lịch, thu hút khách tham quan còn hạn chế, hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa cao.
Các đại biểu nhận định: Địa phương cần xác định sản phẩm du lịch trọng điểm để đầu tư, phát triển. Đặc biệt là các điểm du lịch cần có sản phẩm lưu niệm, các khu vui chơi vệ tinh để đáp ứng nhu cầu lưu trú và mua sắm của du khách. Đồng hành với việc phát triển, các du khách mong muốn các khu du lịch sinh thái tại các địa phương cần có phương pháp bảo tồn bền vững, chú trọng đến môi trường xanh, sạch, đẹp…
Có thể thấy rằng, tiềm năng du lịch của Hải Dương rất phong phú và đa dạng, có nhiều điểm đến lý tưởng cho khách du lịch. Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do m Hải Dương chưa khai thác hiệu quả nên cần có những hướng đi rõ ràng hơn nữa, đưa hình ảnh du lịch Hải Dương lan tỏa mạnh mẽ hơn với du khách trong nước cũng như quốc tế.