Lại một cái Tết không cha mẹ, hai đứa trẻ cũng đã bớt ngóng trông những ngày năm mới vì chúng hiểu rằng, bố mẹ sẽ không bao giờ về nữa, Tết sẽ không có quần áo mới, không phong bao lì xì đỏ rực như chúng bạn…
Làng trên, xóm dưới ở cái xã nghèo Thạch Bình (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) không ai không biết câu chuyện đáng thương của 2 anh em Đinh Xuân Hưng (SN 2006) và Đinh Văn Hiệp (SN 2010). Nhà vốn nghèo, bố mẹ Hưng quanh năm làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi anh em Hưng, bố lại hay ốm đau, mọi thứ đổ dồn lên vai mẹ.
Một ngày tháng 3 năm Hưng học lớp 6, khi không khí Tết vẫn còn vương vấn trên những con đường làng quanh co, mẹ bất ngờ bỏ bố con Hưng mà đi sau một cơn tai biến. Còn lại 3 bố con trong căn nhà tuềnh toàng, vắng hơi người mẹ, mọi thứ càng trở nên trống trải. Nỗi đau cứ thấm dần, thấm dần trong tâm hồn hai đứa trẻ.
Vắng bóng mẹ, đi học về, hai anh em dắt díu nhau nấu cơm , tắm giặt chờ bố về. Thương bố đi làm vất vả, hai anh em lúc nào cũng ngoan, đứa bé lúc buồn nhớ mẹ lắm cũng chỉ dám rúc vào nách anh thủ thỉ. Chúng bảo nhau không khóc vì sợ bố buồn.
Hai anh em Hưng và Hiệp bên căn nhà trống hoác không cha mẹ bên cạnh
Bố Hưng nén mọi nỗi buồn, tìm đủ mọi nghề, ai thuê gì làm nấy kiếm tiền nuôi con nhỏ. Được bạn bè giới thiệu, sau đợt chữa bệnh kéo dài cả tháng trời trong bệnh viện, người bố lầm lũi quyết định để 2 con ở nhà rồi đi theo công trình xây dựng tận Hòa Bình với mong muốn có đồng ra đồng vào nuôi con.
Từ hôm bố đi, hai anh em Hưng ngày nào cũng ngóng bố. Cả ngày đi học, tối về, hai đứa trẻ lại sang nhà bác Hiên (chị gái của bố) ăn cơm bác nấu. Nhà bác chỉ cách một hàng rào được trồng bằng cây rau ngót, vốn trước là vườn của ông bà nội Hưng chia cho bác và gia đình Hưng. Tối tối ăn cơm xong em Hiệp lại giục anh gọi điện để được nói chuyện với bố, nghe bố dặn dò đủ thứ rồi 2 anh em mới yên tâm ôm nhau ngủ.
Nhưng rồi, một ngày, người ta gọi về nói rằng, người ta không gọi bố dậy được nữa, bố đã đi rồi… Khi đó hai đứa trẻ mới mất mẹ được 6 tháng. Hai đứa trẻ như hai cây măng đơn độc, trơ vơ, không biết nương tựa vào đâu. Em Hiệp khóc mãi, tối nào cũng khóc, còn Hưng thì trở nên lầm lì, ít nói hơn trước.
Tết năm đó, là một cái tết đau buồn nhất với 2 đứa trẻ. Trong ngôi nhà trơ trọi kê chỉ có một cái giường đôi, một cái giường đơn và một cái tủ cũ, Hưng đi ra đi vào, quét quét, lau lau. Chẳng có hoa, chẳng bánh chưng hay quần áo mới như những đứa trẻ khác, chỉ có di ảnh của bố mẹ nhìn anh em Hưng đầy trìu mến.
Mùa đông năm nay không lạnh, nhưng cái nắng hanh hao hong đến khô người. Gần 2 năm không có bố mẹ bên cạnh. Anh em Hưng vẫn ngày ngày đạp xe đi học, lầm lũi bảo ban nhau. Hết giờ học, Hưng về phụ bác Hiên trồng đỗ, làm việc đồng áng, chăn bò… Không việc gì Hưng nề hà. Bác Hiên – người phụ nữ có nụ cười đôn hậu, một tay chăm 3 đứa con cùng bà mẹ già yếu nằm một chỗ, nay lại thêm 2 đứa cháu mồ côi. Mọi gánh nặng đổ lên vai bác. Với những đồng tiền thu nhập ít ỏi từ việc nhà nông, bác Hiên chỉ có thể lo cho anh em Hưng khỏi đói, chứ không dám nghĩ đến chuyện ăn ngon.
Hàng ngày, sau giờ học, Hưng về phụ bác Hiên chăn bò, hái rau, nấu cơm…
Một cái Tết nữa lại sắp đến, Hưng chẳng dám ước gì. Những ngày đông giá vẫn trôi qua, gió khẽ rít qua khe cửa. Hưng không còn háo hức chờ Tết như ngày nào nữa bởi cả hai đứa trẻ đều tự hiểu được rằng, sẽ chẳng có ai mua áo mới, bánh mứt kẹo hay làm bánh chưng… trong niềm háo hức đó nữa. Ngày bố mẹ còn sống, dù nghèo, mẹ vẫn dành tiền mua cho em Hiệp món đồ chơi nho nhỏ ngoài chợ. Bố mẹ nuôi đôi lợn ngay cạnh cái bếp trống hoác. Gần Tết, bố cùng bác Hiên làm thịt con lợn để làm giò và bánh chưng. Thế là cả gia đình có một cái Tết đủ đầy.
Mẹ khéo tay lắm. Năm nào mẹ cũng làm bánh chưng. Những chiếc bánh chưng được mẹ tự tay gói thơm nồng mùi nếp và thịt lợn nhà. Hưng lớn hơn em Hiệp nên được mẹ giao nhiệm vụ rửa lá dong, rồi chạy lăng xăng phụ mẹ múc nước, đốt bếp, cho những chiếc bánh xanh vào nồi… Hưng thích nhất cảm giác được ngồi canh nồi bánh chưng. Trong cái mưa phùn lạnh lạnh của ngày gần Tết, nồi bánh chưng sôi sục sục, ánh lửa bập bùng kèm theo tiếng nổ lách tách của củi khô, em Hiệp cứ đi ra đi vào hỏi đi, hỏi lại xem khi nào bánh mới chín. Ngoài sân, bố tranh thủ kỳ cụi lau bộ bàn ghế cũ, mẹ lấy vài cái chén bát đẹp mà mẹ cất đi cả năm không dám dùng ra rửa sạch để đón Tết…
Tầm này những năm trước, mẹ hay trồng rau cải, đậu đũa, hành và cả những loại rau gia vị để mỗi bữa cơm tối đạm bạc, vẫn đầy đủ sắc màu. Mẹ hay chọn những củ hành tròn, chắc để muối. Tết mang hành muối ra ăn với bánh chưng và thịt luộc. Nhưng mảnh vườn nhỏ trước hiên nhà từ khi không có mẹ cũng bị bỏ đó, chẳng trồng cây gì nữa ngoài hàng cây rau ngót vẫn tự lớn lên nhờ những giọt mưa tự nhiên như anh em Hưng vậy.
Nghĩ tới đó thôi, Hưng lại thấy mọi thứ nhòe đi, chỉ còn hình bóng bố mẹ là vẫn rõ mồn một… Tết – cái từ mà 2 đứa trẻ không còn muốn nhắc tới nữa. Trong căn nhà nhỏ đầy tiếng cười khi ấy, giờ chỉ còn 2 đứa nhỏ, học xong rồi leo lên giường đi ngủ. Em Hiệp dù nhỏ hơn nhưng lại tỏ ra mạnh mẽ hơn Hưng. Nó nhất định không chịu sang nhà bác Hiên ngủ 1 ngày nào kể từ khi bố mẹ mất, nói thế nào nó cũng khẳng định, “Em muốn ngủ ở nhà mình vì ở nhà có bố mẹ…”. Em Hiệp thỉnh thoảng đòi Hưng kể chuyện, rồi trong những câu chuyện không đầu không cuối ấy, nó rúc rúc vào anh, kéo chiếc chăn mỏng, chìm vào giấc ngủ.