Tháng 5, nắng lấp lóa mặt đường ngời sao, ngồi dán mặt vào ô cửa kính nhìn hàng cây hai bên đường vun vút trôi tuột về phía sau, nghĩ tới mục đích chuyến đi, tôi nghe lòng mình trĩu nặng.
Ngoài kia, trong khi dư luận đang nóng hừng hực như một chảo lửa khổng lồ sau khi kết thúc phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải thì tại ấp Nhơn Cầu, phường Tân Khánh, thị xã Tân An, tỉnh Long An, trong ngôi nhà khuất sau giàn hoa giấy kia là một không gian lặng lẽ, lặng lẽ đến nao lòng.
Ngồi trước mặt tôi là chị Phạm Thị Ngọc Thắm một người mẹ, như bao nhiêu người mẹ khác, nhân hậu, tảo tần, chịu thương chịu khó, cả đời vì chồng vì con mà sống. Không vồn vã, khách sáo, chị gật đầu nhìn tôi, thoáng chút e dè. Nhìn vào mắt chị, tôi bỗng dưng thấy mình như người có lỗi, có lỗi vì đã chạm vào vết thương lòng của chị mà có thể nếu không ai động vào thì mãi mãi nó cũng không bao giờ liền sẹo.
Chị Thắm – mẹ Ánh Hồng mong vụ án khép lại.
Kể về sự ra đi đột ngột của Ánh Hồng, chị nói chị vẫn còn nhớ như in, hôm ấy là một ngày giáp Tết, người ta mang con chị trở về với một cơ thể thâm tím, với nhiều vết thương trong đó có một vết thương dài trên cổ. Chị chỉ kịp kêu lên thống thiết: “Trời ơi! Con tôi” rồi ngất liệm. Không biết bao nhiêu lần chị ngất đi rồi… tỉnh dậy… rồi ngất đi. Trong mơ màng nửa mê nửa tỉnh, chị nghe văng vẳng tiếng người xôn xao, có cả tiếng khóc than, kể lể. Chị cố mở mắt ra, đinh ninh chị đang ngủ và vừa trải qua một cơn ác mộng.
Rất nhiều năm sau, hình ảnh ấy cứ ám ảnh chị, không bữa ăn nào chị thấy ngon miệng, không giấc ngủ nào chị thấy bình yên. Nhưng chỉ đến khi được dự khán phiên tòa sơ thẩm, chị Thắm mới thật sự gục ngã. Chị cảm nhận nỗi đau lên đến tột cùng khi nghe bản cáo trạng miêu tả tỉ mỉ cách mà hung thủ sát hại con chị. Chị tưởng như có ai đó đang đập vào đầu chị, đang cầm dao cứa cổ chị. Chị nghe như từ trong trái tim mình, máu chảy tràn ra lồng ngực, chị rúm ró ngồi nghe, nuốt nỗi đau vào lòng.
Chị ngằn ngặt khóc: “Con mình rứt ruột sinh ra, chỉ cần nó té đau hay vô ý làm trầy xước da thịt là mình đã xót. Đằng này… Chắc lúc đó nó đau đớn, sợ hãi và thất vọng lắm, chắc nó mong có ai đó đến để cứu nó lắm phải không cô?”. Đột ngột quá, tôi không kịp nghĩ ra phải trả lời chị như thế nào. Tôi nắm chặt tay chị, bàn tay thô ráp, sần sùi, ướt rịn mồ hôi, mong truyền cho chị một chút hơi ấm của sự an ủi.
Chỉ một hai năm trở lại đây, chị Thắm mới chấp nhận được sự thật là con gái mình không còn sống. Chứ trước đó một thời gian rất dài, trong thâm tâm chị, Ánh Hồng chỉ đi làm ăn xa đâu đó thôi. Thực tại và mộng tưởng ấy cứ đan xen thường làm cho chị thảng thốt giật mình.
Chị thôi khóc và nhìn ra khoảng không bên ngoài ô cửa, đôi mắt xa xăm như thể vừa bước ra từ quá khứ: “Phải chi nó đi Tây, đi Mỹ gì thì dẫu có xa bao nhiêu, có lâu bao nhiêu, cũng hy vọng có ngày còn thấy mặt con, còn nghe con cười, con nói, đằng này... Cô biết không trước đó mấy ngày, nó còn nói với tui, vài ba bữa nữa nó lãnh tiền về dẫn tui đi sắm đồ bận Tết. Nó gạt tui đó cô…”, chị cười gắng gượng hình như để cho không khí bớt trầm lắng.
Ánh Hồng là con gái lớn của chị, sau Hồng còn có ba đứa em gái nữa. Trong đó có một đứa nhiễm chất độc da cam, nằm một chỗ. Nhà chỉ có hai công vườn dừa với chừng ấy miệng ăn nên thiếu trước hụt sau, chồng chị, anh Nguyễn Văn Mừng phải hàng ngày đi làm mướn để trang trải cuộc sống và lo cho đứa con gái tật nguyền trong khi sức khỏe anh càng ngày càng giảm sút vì vốn sẵn mang trong người căn bệnh tim.
Thấy cảnh nhà nghèo khó, thương ba má vất vả, tội nghiệp em gái tật nguyền, Ánh Hồng rất cố gắng học mơ ước lớn lên có được một cái nghề có thể kiếm thật nhiều tiền để phụ giúp ba má và nuôi em. Ước mơ thật bình thường, đơn giản nhưng không phải với ai nó cũng dễ dàng trở thành sự thật.
Năm Hồng học lớp 12, bệnh anh sáu Mừng bỗng dưng trở nặng, không còn lao động được nữa, bao nhiêu gánh nặng chất qua vai chị Thắm. Chị phải theo người ta đi làm mướn xa nhà hàng trăm cây số. Hồng ở nhà vừa chăm cha, vừa chăm em vừa luyện thi đai học. Nhưng cánh cửa đại học đã đóng sập trước mặt Hồng vì gia đình không đủ sức lo cho em đi học.
Chị Thắm kể, bữa đó hai má con ôm nhau ngồi khóc. Biết con buồn lắm nhưng vì hoàn cảnh, chị cắn răng chịu đựng. Nhắc đến chuyện này, chị Thắm ngậm ngùi cho biết, đó là nỗi ray rứt ân hận của chị vì sinh con ra mà không làm tròn trách nhiệm của mình. Cho nên khi nhờ người xin được cho Hồng vào làm nhân viên bưu điện, công việc có phần nhàn nhã hơn hồi làm công nhân xí nghiệp, chị mừng lắm. Chị càng yên tâm hơn khi người làm chung với Hồng chính là Nguyễn Thị Thu Vân.
Chị Tư Hộ- mẹ Nguyễn Thị Thu Vân không cầm được nước mắt khi nói về con gái
Ba của của Vân và ba của Hồng vốn là hai anh em ruột. Nhà ở chung xóm, học chung trường, là chị em họ, lại suýt soát tuổi nhau, cùng lớn lên bên nhau từ tấm bé nên Hồng và Vân chơi với nhau rất thân và đặc biệt là rất “tâm đầu ý hợp”. Vân cũng là nạn nhân trong cái đêm thảm sát kinh hoàng tại Bưu điện Cầu Voi 12 năm trước.
Mỗi lần xem phim thấy các nhân vật nói câu: “Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, nhưng nguyện chết cùng năm, cùng tháng, cùng ngày”, tôi nghĩ đó chỉ là một cách nói. Không ngờ nó có thể xảy ra ngoài đời thực. Nhìn hai ngôi mộ nằm song song kề bên nép trong một góc vườn với ngày tháng năm tử nạn ghi trên mộ bia trùng nhau, trong phảng phất mùi khói hương, tôi nghe lòng mình trào dâng một nỗi niềm khó tả.
Cách nhà chị Thắm một đoạn đường, là một ngôi nhà gạch nằm lấp ló trong vườn cây. Ở đó cũng có một bà mẹ mà nỗi đau mất con hiện diện rõ nét nhất qua dáng người tiều tụy, héo hon trên đôi mắt sâu quầng không gượng lại được sau ngần ấy năm. Cơn khủng hoảng ấy đã cướp đi của chị sự vui vẻ, thông suốt vốn có. Chị trở nên dông dài, nói tới nói lui một câu không biết chán. Người địa phương ít ai biết tên riêng của chị, người ta quen gọi chị theo tên chồng là Tư Hộ.
Khác với chị Thắm, chị Tư Hộ là người mau nước mắt, suốt buổi nói chuyện, không khi nào trên gương mặt chị không đẫm nước mắt. Lạ thay, trong câu chuyện, chị ít khi nhắc đến sự ra đi của con gái mình mà cứ lan man kể về những ngày Vân còn bé, nó ngoan như thế nào, nó dễ thương như thế nào, nó tội nghiệp như thế nào.
Tôi hỏi sao tội nghiệp. Chị kể, hồi đó nhà nghèo quá, anh chị thường hay đi qua miệt Đồng Tháp Mười để cắt lúa mướn, có khi mấy tháng mới về thăm nhà một lần. Vân là con út trong nhà, anh chị cũng có chút ưu ái hơn, thương nó nhiều hơn mấy đứa lớn một chút. Nhưng vì hoàn cảnh vẫn phải bấm bụng bỏ nó ở nhà với các anh chị khi nó vừa mới 5, 6 tuổi. Có lần nhà không có gì ăn cơm, hai chị em ra vườn lấy cây sào chọt trái dừa nạo vô làm canh. Sau đó, chị nó trượt chân, bị miếng mảnh sành cắt đứt gang bàn chân, máu tuôn ròng ròng. Vân phần sợ, phần thương chị khóc cả buổi.
Rồi chị kể sang chuyện có lần nhân nghỉ hè, Vân theo ghe lên Đồng Tháp Mười chơi với anh chị mấy ngày, từ chỗ ở ra đồng cách hơn cây số, Vân tự nấu cơm xách ra cho cha mẹ. Đồng Tháp Mười mênh mông, không định hướng, lúc trở về loanh quanh thế nào con bé đi lạc cả ngày trời nhưng “nó gan lắm, không khóc”. Cứ thế, chị chấp vá miên man, những câu chuyện không đầu không cuối về đứa con gái bất hạnh của mình.
Đã được anh Tư Hộ “cảnh báo” nên tôi ngồi ân cần lắng nghe, thỉnh thoảng cố dắt chị về thực tại nhưng xem ra cũng không dễ dàng. Anh Tư Hộ cho biết, từ ngày con gái xảy ra chuyện, vợ anh bị cú sốc quá sức chịu đựng, anh dắt chị qua Đồng Tháp Mười làm lúa rồi ở luôn bên đó, có khi Tết cũng không về vì những ngày giáp Tết luôn khiến chị Tư Hộ nhớ con không chịu nổi.
Nơi yên nghỉ của nạn 2 nhân xấu số
Với tất cả các bà mẹ trên đời, sự ra đi vĩnh viễn của đứa con mình rứt ruột sinh ra là không có gì bù đắp được. Có thể những cuộc biệt ly vĩnh viễn chia lìa mẫu tử tình thâm không phải là hiếm gặp. Nhưng với cái chết oan khuất, tức tưởi, đau đớn, đường đột khi đang tuổi thanh xuân phơi phới của Hồng và Vân thì nỗi đau đó quá nặng nề, khiến hai bà mẹ không đủ sức gánh gồng, không đủ sức kêu la… Họ cố chôn nỗi đau ấy vào lòng. Nhưng có ai biết đâu, khi mặt biển bình yên chính là lúc dưới đáy đại dương đang cuồn cuộn sóng.
Thời gian gặp gỡ không nhiều nhưng cũng đủ để chúng tôi có thể thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với nỗi đau tận cùng của hai bà mẹ cũng như người thân của hai nạn nhân trong vụ án. Họ đau đớn nhưng không kêu gào bởi lẽ “Pháp luật công bằng lắm, người ta sẽ không làm sai đâu. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào pháp luật. Luôn trông chờ vào sự phán quyết của pháp luật. Chỉ mong sao vụ án sớm khép lại, kẻ bị trừng trị đúng là hung thủ đã ra tay sát hại con cháu chúng tôi, để tụi nhỏ yên lòng nơi chín suối”. Trong suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi, cả hai gia đình đều tâm niệm và luôn nhắc đi nhắc lại điều này.