Hạ tầng thúc đẩy đầu tư bất động sản dịch chuyển về khu nam TP. Hồ Chí Minh

Hải Yến| 07/01/2020 08:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo quy hoạch, TP. HCM sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành và các đô thị vệ tinh. Ở vị thế hiện tại, 2 khu vực phát triển sôi động nhất là khu Đông và Nam thành phố với hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại.

Với chiến lược phát triển kết nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ được quy hoạch gần đây, TP. HCM đang dành cho khu Nam một nguồn lực tài chính khá lớn để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.

Sau các dự án lớn được xây dựng, tạo nên trục đường kết nối cũng như thay đổi bộ mặt đô thị khu Nam như đại lộ Nguyễn Văn Linh, cảng Hiệp Phước, cầu Phú Mỹ… TP. HCM tiếp tục đầu tư nhiều tuyến đường kết nối đồng bộ để vực dậy khu vực này.

Bên cạnh đó, quy hoạch vùng đô thị mở rộng về các tỉnh phía Tây (Long An, Tiền Giang...), TP. HCM cũng đang dành nguồn ngân sách khá lớn và kêu gọi nhiều tập đoàn đa quốc gia cùng tham gia phát triển hàng loạt dự án đầu tư nâng cấp cầu đường hiện hữu.

Hạ tầng thúc đẩy đầu tư bất động sản dịch chuyển về khu nam TP. Hồ Chí Minh

Hàng loạt dự án giao thông sắp triển khai sẽ giúp khu Nam TP. HCM giải quyết bài toán hạ tầng, thúc đẩy thị trường bất động sản.

Điển hình cho chiến lược này, theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, trước mắt nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam TP. HCM đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư đến năm 2020 như: dự án cầu Thủ Thiêm 3; cầu Thủ Thiêm 4; dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng). Đặc biệt, UBND TP. HCM đã giao một số đơn vị liên quan nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư dự án hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, với số vốn gần 5.000 tỷ đồng.

Mới đây nhất, UBND TP. HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng đường song hành với quốc lộ 50 bổ sung vào quy hoạch giao thông vận tải TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo quy hoạch, điểm đầu của tuyến đường mới này sẽ kết nối đường Phạm Hùng, (huyện Nhà Bè), điểm cuối sẽ kết nối với ngã tư Tân Kim, (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Không dừng ở đó, khu Nam cũng phát triển đồng bộ nhiều tuyến đường để kết nối thuận tiện với khu trung tâm. Có thể kể đến như, dự án cầu – đường Bình Tiên được xây dựng tạo động lực cho việc hình thành tuyến đường Vành đai trong kết nối toàn bộ khu vực Tây và Nam thành phố.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy hầu hết các dự án này khi bán ra đều có tỷ lệ giao dịch thành công lên tới 80 - 90%. Điểm đáng chú ý là giá cả của các dự án căn hộ cũng tương đối hợp lý, tỷ suất lợi nhuận đầu tư cho thuê sẽ hấp dẫn khi nhu cầu nhà ở đang tăng cao. Do đó, những năm gần đây, diện mạo đô thị khu Nam TP. HCM đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ với nhiều dự án nhà ở chất lượng, quy hoạch đồng bộ, đến từ các chủ đầu tư uy tín.

Hạ tầng thúc đẩy đầu tư bất động sản dịch chuyển về khu nam TP. Hồ Chí Minh

Những dự án hạ tầng triển khai trong tương lai giúp khu Nam TP. HCM giải quyết sức ép về giao thông, tạo động lực phát triển cho thị trường bất động sản phát triển trong năm 2020.

Theo định hướng phát triển của TP. HCM, khu Nam sẽ trở thành một trong bốn khu đô thị vệ tinh của thành phố, giúp phát triển kinh tế, xã hội và giảm bớt áp lực dân số cho khu trung tâm và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Có thể nói, nhờ hạ tầng phát triển và sự đầu tư mạnh mẽ của các chủ đầu tư bất động sản uy tín tại khu vực này, chỉ trong vài năm tới, khu Nam TP. HCM nói chung và Bình Chánh nói riêng sẽ có được một diện mạo đô thị ngày càng khang trang, cư dân sẽ được nâng tầm cuộc sống trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng thúc đẩy đầu tư bất động sản dịch chuyển về khu nam TP. Hồ Chí Minh