Ngày 28/12, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương được tổ chức với quy mô toàn quốc, các địa phương đã thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, đồng thời đưa ra những đề xuất quan trọng.
Kiên quyết ngăn chặn người nhập cảnh trái phép
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều đồng tình, thống nhất cao với nội dung các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2020 và những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh đã bố trí 123 chốt trên dọc tuyến biên giới với hơn 600 cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng quân sự, biên phòng, công an thường xuyên túc trực tuần tra, kiểm soát biên giới 24/24. Từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, tỉnh này đã cách ly trên 10.000 người và hàng ngày hiện nay vẫn tiếp tục duy trì thực hiện cách ly bình quân 20-30 người nhập cảnh từ Campuchia. Hiện tại, tại các khu cách ly của tỉnh vẫn đang cách ly tập trung khoảng 500 người nhập cảnh.
Tỉnh Tây Ninh cũng đồng thời phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế biên giới, nhập cảnh trái phép. Tính từ tháng 3/2020 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 199 vụ với 375 đối tượng vi phạm quy chế biên giới, nhập cảnh trái phép, đã xử lý hành chính 176 vụ với 316 đối tượng; xử lý hình sự 11 vụ với 32 đối tượng và tiến hành trục xuất 41 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép… Tỉnh đã phát hiện và điều trị khỏi 7 trường hợp nhập cảnh mắc COVID-19.
Liên quan đến bệnh nhân BN1440, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ được chính xác tình hình di chuyển của bệnh nhân này, do đối tượng khai báo không trung thực và thiếu nhất quán. Để chủ động phòng chống dịch lây lan trong cộng đồng, tỉnh đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch ở mức cao nhất, đồng thời chỉ đạo rà soát và tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất.
Lãnh đạo chính quyền địa phương cũng đã đưa ra chủ trương khen thưởng nóng bằng vật chất đối với tất cả người dân phát hiện và tố giác người nhập cảnh trái phép. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương có liên quan để tiếp tục làm rõ hành trình di chuyển của BN1440 để truy vết, ngăn vùng chính xác để phòng ngừa, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, ông Ngọc cho hay.
Đà Nẵng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, cho biết, năm 2020, Đà Nẵng đối mặt với rất nhiều những khó khăn, thử thách với sự quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nên đã đã cơ bản khống chế được dịch bệnh và ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Phát triển kinh tế có tín hiệu đáng mừng, thu hút đầu tư gấp khoảng 2 lần lần về vốn so với cùng kỳ 2019.
Năm 2021, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế”; kịp thời thực hiện các giải pháp phát triển nguồn thu, phấn đấu thu ngân sách đạt kết quả cao nhất; tập trung chỉ đạo xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác giải tỏa, đền bù, bàn giao mặt bằng triển khai dự án, nhất là các công trình trọng điểm, động lực trên các lĩnh vực giao thông, hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cấp thoát nước, môi trường, an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2021 theo kế hoạch đề ra…
Một số kiến nghị với Chính phủ
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, giải quyết một số kiến nghị, đề xuất. Trong đó, sớm xem xét, ban hành Nghị định quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.
Ban hành Quyết định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Điều 8 Nghị quyết 119/2020/QH14 về điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị; phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông lớn, có sức lan tỏa, kết nối tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai địa phương dẫn đầu về phát triển kinh tế của đất nước cũng có những khó khăn nhất định trong năm 2020. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết TP đã triển khai một cách nghiêm túc và chủ động, bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, về cơ bản thành phố đã đạt được mục tiêu tổng quát, mục tiêu kép với những kết quả quan trọng, toàn diện trong đó nhiều chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
TP đã kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh trong cả 3 đợt; có giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều hoạt động kết nối với các địa phương cung cầu hàng hóa, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 3,98%, quy mô nền kinh tế trên 44 tỷ USD, thu ngân sách ước thực hiện khoảng 280 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so với thực hiện năm 2019. Hà Nội cũng đã tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của Thủ đô, thúc đẩy nhiều công trình hạ tầng giao thông, xử lý nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Theo ông Chu Ngọc Anh, năm 2021, thành phố Hà Nội chủ trương thực hiện năm chủ đề: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, phấn đấu GRDP tăng khoảng 7,5%.
Vị đại diện UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội về việc triển khai kết hoạch đầu tư công trung hạn, theo Điều 89, Luật Đầu tư công; Quy hoạch Hà Nội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn 2045 liên quan đến bố trí vốn, thẩm định dự toán; kiến nghị Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Nghị quyết 97 của Quốc hội thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội...
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tập trung nguồn lực phát triển kinh tế và phòng chống dịch bệnh; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền đô thị; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra 9 nội dung trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 với 20 chỉ tiêu, đồng thời có một số kiến nghị với Chính phủ, cụ thể: Sớm ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP theo Nghị quyết số 131 của Quốc hội trước ngày 1/1/2021; Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn về Phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa để TP kịp triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra và đẩy nhanh tiến độ kê khai, phê duyệt phương án và thực hiện sắp xếp, xử lý lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trên địa bàn TP.